Xu hướng kinh tế thị trường mùa Hè 2024
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp và nhiều biến động, việc nắm bắt xu hướng thị trường không chỉ là nhu cầu mà còn là một yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Thị trường mùa Hè 2024, với những thách thức và cơ hội riêng biệt, đòi hỏi một cái nhìn sâu sắc và chiến lược thông minh để có thể tận dụng hiệu quả những điều kiện thị trường.
Bài viết này sẽ phân tích và đưa ra những nhận định về các xu hướng kinh tế mùa Hè 2024 cũng như các hoạt động trên mạng xã hội trong mùa Hè 2024, giúp độc giả có thể chuẩn bị và định hình chiến lược kinh doanh phù hợp.
Tình hình kinh tế chung
Tổng quan kinh tế vĩ mô Việt Nam
Bức tranh kinh tế vĩ mô đã khởi sắc hơn trong quý I/2024: tăng trưởng GDP đạt cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 5 năm trở lại đây; khu vực công nghiệp và xây dựng hồi phục tích cực, đặc biệt là ngành công nghiệp chủ lực là chế biến, chế tạo; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ vẫn duy trì ổn định.
Trong thời gian còn lại của năm, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng những tín hiệu khởi sắc của kinh tế vĩ mô sẽ được duy trì nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong điều kiện nhu cầu tại các thị trường lớn cải thiện, dòng vốn FDI tiếp tục được thu hút tốt, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và sự phục hồi của nhu cầu nội địa nhờ các biện pháp kích cầu.
Mặc dù những áp lực về lạm phát và điều hành tỷ giá đang có dấu hiệu quay trở lại, KBSV nhận định nếu các yếu tố ngoại biên không biến động quá mạnh, đặc biệt là giá dầu Brent duy trì dưới 93 USD/thùng, thì tỷ giá và lạm phát sẽ tiếp tục trong tầm kiểm soát và không vượt ra ngoài mức mục tiêu của Chính phủ.
Tổng quan về GDP
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK), GDP quý I/2024 ước tính tăng 5,66% YoY – vẫn thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ giai đoạn trước dịch nhưng đã cao nhất trong các năm 2020-2023 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi. Trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, các chỉ số vĩ mô của Việt Nam tiếp tục đi theo xu hướng tích cực qua từng tháng, đặc biệt là sự phục hồi của lĩnh vực xuất khẩu kéo theo hoạt động sản xuất công nghiệp đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế trong quý đầu năm.
Dự báo tăng trưởng GDP 2024
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6% trong năm 2024, với nhiều tín hiệu tích cực từ các chỉ số vĩ mô.
Điểm sáng trong bức tranh xu hướng kinh tế mùa Hè 2024:
- Hoạt động sản xuất và xuất khẩu: Duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng chung.
- Dòng vốn FDI và giải ngân đầu tư công: Gia tăng mạnh mẽ, góp phần củng cố tiềm lực cho nền kinh tế.
- Nhu cầu nội địa: Dự kiến hồi phục nhờ các chính sách kích cầu của Chính phủ.
- Thị trường bất động sản: Xu hướng tích cực, tạo điều kiện cho các ngành liên quan phát triển.
Tuy nhiên, vẫn còn một số rủi ro cần lưu ý:
- Áp lực lạm phát: Nguy cơ gia tăng do giá cả nguyên vật liệu và chi phí vận tải leo thang.
- Tỷ giá hối đoái: Biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
- Rủi ro địa chính trị: Xung đột Nga – Ukraine và các bất ổn khu vực có thể tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa và tâm lý thị trường.
- Giá dầu Brent: Biến động giá dầu có thể ảnh hưởng đến lạm phát và chi phí sản xuất, đặc biệt nếu vượt mốc 93 USD/thùng.
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6% trong năm 2024, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn một số rủi ro cần theo dõi sát sao và có biện pháp ứng phó kịp thời. Việc kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và giảm thiểu tác động của các rủi ro bên ngoài là chìa khóa để đảm bảo đà tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.
Các ngành kinh tế chính trong mùa Hè
Du lịch
Xu hướng kinh tế mùa Hè 2024 của ngành dịch vụ nhà hàng và du lịch được kỳ sẽ tiếp tục sôi động. Trong quý I, du lịch Việt Nam đón 4,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 72% YoY trên mức nền thấp của quý I/2023 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 – đánh dấu lần đầu tiên vượt qua thời điểm trước dịch. Khách nội địa đạt mức 30 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 195 nghìn tỷ đồng. Cả năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, phục hồi hoàn toàn về thời điểm trước dịch, kỳ vọng doanh thu 840 nghìn tỷ đồng (~8% GDP).
Bán lẻ và tiêu dùng
Du lịch, lữ hành hồi phục cũng là tiền đề lớn để doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống hồi phục. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng ổn định qua từng tháng, tính cả quý I tăng 8,2% YoY, tuy nhiên đây vẫn là mức thấp hơn trung bình giai đoạn trước dịch COVID-19 là ~14%.
Nhu cầu tiêu dùng nội địa sẽ hồi phục trở lại nhờ: (1) Chính sách tiền tệ nới lỏng và các biện pháp kích cầu (bao gồm việc gia hạn thời gian giảm thuế VAT, tăng lương cơ bản…) sẽ phát huy hiệu quả rõ ràng hơn; (2) Triển vọng kinh tế khả quan với động lực chính từ hoạt động xuất khẩu sẽ tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân, tác động tích cực đến cầu tiêu dùng; và (3) Lạm phát dù có dấu hiệu tăng nhưng kỳ vọng vẫn được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu 4.5% của Chính phủ.
Trong bối cảnh xu hướng kinh tế mùa Hè 2024 đầy biến động, người tiêu dùng Việt Nam đang thể hiện những chiến lược chi tiêu đa dạng để đối phó với giá cả hàng tiêu dùng tăng cao. Quý đầu năm, xu hướng mua sắm số lượng lớn để tiết kiệm chi phí (uptrading) chiếm ưu thế. Tuy nhiên, đến quý II, dấu hiệu chuyển hướng sang các lựa chọn giá rẻ hơn (downtrading) bắt đầu xuất hiện, và tiếp tục kéo dài đến nửa cuối năm. Ngay cả khi lạm phát giảm, người tiêu dùng vẫn cắt giảm lượng hàng hóa mua vào. Điều này cho thấy quá trình ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam trở nên phức tạp hơn khi thích ứng với môi trường kinh tế thay đổi.
Mặc dù giá cả tăng và xu hướng kinh tế mùa Hè 2024 không chắc chắn có thể khiến người ta nghĩ rằng người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu toàn diện, nhưng thực tế thị trường lại phong phú hơn thế. Các mặt hàng thiết yếu vẫn là ưu tiên hàng đầu trong danh sách chi tiêu, trong khi chi tiêu tùy ý có thể bị cắt giảm, đặc biệt là ở các lĩnh vực như ăn uống bên ngoài và giải trí.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận ra rằng người tiêu dùng không hoàn toàn đóng chặt hầu bao. Họ vẫn sẵn sàng chi tiền, nhưng chi tiêu của họ hướng đến giá trị. Những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng về sức khỏe, trải nghiệm và sự tiện lợi có thể thuyết phục họ móc hầu bao.
Điều này tạo ra cơ hội độc đáo cho các thương hiệu vượt qua giai đoạn khó khăn và định vị để tăng trưởng trong xu hướng kinh tế mùa Hè 2024. Chìa khóa nằm ở việc hiểu cách các phân khúc người tiêu dùng khác nhau đang điều chỉnh hành vi của họ và áp dụng các chiến lược phù hợp với những sự thay đổi này.
Xu hướng thị trường trên mạng xã hội
Mạng xã hội đã trở thành một diễn đàn không thể thiếu trong việc hình thành và phản ánh các xu hướng tiêu dùng. Đặc biệt trong thị trường mùa Hè 2024, sự tham gia của các nhóm tuổi trên các nền tảng này đã cung cấp những cái nhìn sâu sắc về hành vi và sở thích của họ. Phân tích này không chỉ giúp hiểu rõ hơn về những chủ đề họ quan tâm như lối sống, sức khỏe, và tiêu dùng thông minh mà còn mở ra cơ hội cho các thương hiệu để thiết kế các chiến dịch Marketing mục tiêu, đáp ứng nhu cầu và mong đợi của họ.
Tổng quan đối tượng tham gia thảo luận
Như trong hình, hai nhóm độ tuổi chính tham gia thảo luận trên mạng xã hội là 18-24 và 25-34. Đây là những người trẻ, đang trong giai đoạn đầu của sự nghiệp và có xu hướng theo dõi các xu hướng mới nhất. Sự chiếm ưu thế của phụ nữ trong các thảo luận cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ đến các chủ đề liên quan đến lối sống, sức khỏe và tiêu dùng thông minh. Để tận dụng triệt để đối tượng này, các thương hiệu có thể tập trung vào các chiến dịch marketing nhắm vào lối sống lành mạnh, thời trang bền vững, và các sản phẩm giáo dục, đặc biệt trong các lĩnh vực nắng nóng và mua sắm.
Hoạt động mạng xã hội trong mùa Hè
1. Diễn biến thảo luận mùa Hè trên mạng xã hội
Mùa Hè là một dịp vô cùng sôi nổi trên mạng xã hội, kéo dài từ tháng 5 tới tháng 9 hàng năm. Theo báo cáo của Buzzmetrics, tháng 5 chứng kiến một lượng lớn các cuộc thảo luận, với điểm cao nhất đạt gần 3 triệu người dùng duy nhất vào đầu mùa Hè. Điều này phản ánh sự nhiệt tình của người dùng khi bước vào mùa nghỉ lớn và cần thông tin về các hoạt động, sự kiện, và sản phẩm phù hợp với thị trường mùa Hè 2024.
Tháng 6 là thời điểm thảo luận sôi nổi nhất trên mạng xã hội, phù hợp với biểu đồ thứ nhất về các chủ đề nắng nóng và các hoạt động mùa Hè như du lịch và học hành. Điều này cho thấy các chiến dịch Marketing và nội dung nên được tập trung vào tháng này để tận dụng tối đa sự chú ý của người dùng.
Có một xu hướng giảm dần số lượng thảo luận từ tháng 7 trở đi, với lượng thảo luận giảm rõ rệt vào cuối mùa Hè. Điều này có thể do người dùng bắt đầu chuẩn bị cho mùa học mới hoặc đã trải qua đủ các hoạt động mùa Hè và giảm sự quan tâm đến các chủ đề liên quan.
Dựa trên những số liệu này, các thương hiệu có thể lên kế hoạch cho các chiến dịch quảng cáo và marketing của mình để phát động mạnh mẽ vào đầu mùa Hè, đặc biệt là vào tháng 5 và 6, khi sự quan tâm của người dùng đang ở mức cao nhất. Cũng nên có kế hoạch cho các hoạt động giữ chân người dùng vào cuối mùa để duy trì sự quan tâm lâu dài.
2. Phân loại nhóm tham gia thảo luận
- Online sellers chiếm 74,9%: Đây là nhóm chiếm đa số trong các cuộc thảo luận trên mạng xã hội, cho thấy một thị trường sôi động với các hoạt động bán hàng trực tuyến.
- Consumers và communities: Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ hơn, nhưng không thể bỏ qua những nhóm này. Tiếp cận những cộng đồng này với nội dung hấp dẫn và tương tác có thể giúp tăng nhận thức và sự ủng hộ từ cộng đồng.
3. Chủ đề thảo luận nổi bật
- Nắng nóng (36,9%): Đây là chủ đề thảo luận chủ đạo, điều này cho thấy nhu cầu cao cho các sản phẩm làm mát và giải pháp chống nóng. Các thương hiệu có thể tập trung vào việc quảng bá các sản phẩm như máy điều hòa, quạt làm mát, và đồ uống giải nhiệt.
- Học hành (12,8%) và ăn uống (11,4%): Những chủ đề này cũng thu hút sự quan tâm đáng kể, nhấn mạnh nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ giáo dục mùa Hè cũng như các lựa chọn ẩm thực cho các hoạt động ngoài trời hoặc tại nhà.
- Mua sắm (10,4%): Sự quan tâm đến mua sắm trong mùa Hè cho thấy cơ hội cho các chiến dịch khuyến mãi mùa Hè, từ quần áo mùa Hè đến các sản phẩm liên quan đến du lịch và giải trí.
4. Ngành hàng nổi bật
Sự quan tâm đặc biệt đối với du lịch (20,5%) và chăm sóc cá nhân (18,7%): Những chủ đề này thu hút sự quan tâm đáng kể trong mùa Hè, phản ánh nhu cầu cao đối với các hoạt động nghỉ dưỡng và tự chăm sóc.
Máy lạnh (51,5% của sự quan tâm trong ngành): Điều này cho thấy sự cần thiết cao cho các giải pháp làm mát trong những tháng mùa Hè nóng bức.
Panasonic và Daikin: Đây là hai thương hiệu dẫn đầu về mức độ quan tâm trên mạng xã hội. Panasonic chiếm 30,07% và Daikin chiếm 27,89% của thảo luận.
Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp trong mùa Hè 2024
Mùa Hè 2024 dự kiến sẽ mang lại những thách thức và cơ hội độc đáo cho các doanh nghiệp trên nhiều ngành nghề khác nhau. Dưới đây là phân tích chi tiết về các cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong bối cảnh kinh tế và môi trường hiện tại.
Cơ hội
- Tăng cường nhu cầu về sản phẩm làm mát và giải pháp tiết kiệm năng lượng: Nắng nóng gia tăng do biến đổi khí hậu khiến cho các sản phẩm như máy lạnh, quạt điện, và các hệ thống làm mát trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Trong khi đó, thị trường điều hòa không khí tại Việt Nam dự kiến đạt 4,2 tỷ USD vào năm 2024, tăng 15% so với năm 2023 (Cục Xuất nhập khẩu). Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành điện lạnh mở rộng thị trường và tăng doanh số. Khi nhu cầu về sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường đang gia tăng. Các công ty cũng có cơ hội đầu tư vào công nghệ mới để phát triển các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Cơ hội từ đổi mới trong sản xuất năng lượng và công nghệ thích ứng với khí hậu: Ngành năng lượng tái tạo toàn cầu dự kiến đạt 2.600 tỷ USD vào năm 2024 (IRENA). Việc đầu tư vào năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió, và thủy điện mini không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn mở ra các kênh đầu tư mới cho doanh nghiệp.
Thách thức
- Lạm phát gia tăng và chi phí cao hơn cho nguyên liệu và năng lượng: Sự gia tăng chi phí sản xuất do giá nguyên liệu và năng lượng tăng cao có thể làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp và tăng giá thành sản phẩm cuối cùng. Tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam trong tháng 5/2024 tăng 3,14% so với cùng kỳ năm ngoái (Tổng cục Thống kê). Các doanh nghiệp cần chuẩn bị tài chính để đối phó với những biến động không lường trước được trong giá cả thị trường.
- Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu: Theo Bộ Công Thương, có đến 80% doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng. Và theo Ngân hàng Thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu có thể khiến giá cả hàng hóa tăng cao 10% trong năm 2024. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng có thể làm chậm quá trình sản xuất và phân phối, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.Do đó các doanh nghiệp cần xây dựng các chiến lược linh hoạt và đa dạng hóa nguồn cung để giảm thiểu rủi ro từ sự gián đoạn.
Kết luận
Nhìn chung, xu hướng kinh tế mùa Hè 2024 mang đến không chỉ những thách thức mà còn cả cơ hội phát triển đáng kể cho các doanh nghiệp. Việc lạm phát gia tăng và các gián đoạn trong chuỗi cung ứng sẽ cần được giải quyết thông qua các chiến lược quản lý chi phí hiệu quả và sự đa dạng hóa nguồn cung. Mặt khác, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhu cầu về các sản phẩm làm mát và công nghệ tiết kiệm năng lượng cung cấp một lĩnh vực rộng lớn cho sự đổi mới và tăng trưởng.
Để nắm bắt và tận dụng những cơ hội này, “Báo cáo Marketing mùa Hè 2024: Xu hướng – Insight – Giải pháp” sẽ là một nguồn tài nguyên cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nắm bắt những xu hướng và insight người tiêu dùng trong mùa Hè 2024. Bằng cách tiếp cận một cách chiến lược và đáp ứng linh hoạt trước những thay đổi của thị trường, các tổ chức có thể không chỉ sinh tồn mà còn phát triển thịnh vượng trong mùa Hè 2024 và những năm tiếp theo.
Tải báo cáo tại đây.