Marketer Mibrand Vietnam
Mibrand Vietnam

Nghiên cứu thị trường và Tư vấn thương hiệu @ Mibrand Vietnam

"Chớp" thời cơ phát triển thương hiệu ngành dược phẩm

Chớp thời cơ phát triển thương hiệu ngành dược phẩm

Nhờ các yếu tố thuận lợi về xu hướng tiêu dùng và nhu cầu chăm sóc sức khỏe, ngành Y tế nói chung và thị trường ngành Dược nói riêng đang là "miếng bánh béo bở". Đây là cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp trong việc xây dưng & phát triển thương hiệu để vươn lên giành lấy thị phần, chiếm lĩnh vị thế độc tôn trong tâm trí khách hàng.

Những dấu hiệu tích cực từ thị trường

  1. Tiềm năng về thị trường

Được định giá khoảng 7 tỷ USD năm 2023, thị trường sản xuất dược phẩm Việt Nam dự báo sẽ đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Quy mô thị trường thuốc thảo dược quốc tế năm 2021 khoảng 230,03 tỷ USD, dự kiến tăng trưởng đạt 430,35 USD vào năm 2028. Theo IQVIA, tổng chi tiêu dành cho dược phẩm toàn cầu được dự báo tăng trưởng từ 3-6% trong giai đoạn 2023-2027, ước tính sẽ đạt 1,9 tỷ USD vào năm 2027.

Hiện hệ thống sản xuất, kinh doanh dược phẩm có khoảng 250 nhà máy sản xuất, 200 cơ sở xuất nhập khẩu, 4.300 đại lý bán buôn và hơn 62.000 đại lý bán lẻ. Với dư địa phát triển lớn, ngành dược đang đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện và bứt phá trở thành một trong những trụ cột kinh tế.

2. Xu hướng người tiêu dùng

Bên cạnh đó, thị trường ngành dược ở Việt Nam còn được xếp vào các ngành có tỷ lệ tăng trưởng cao, được đánh giá là lớn thứ hai Đông Nam Á và có nhiều cơ hội phát triển đầy tiềm năng bởi nhiều yếu tố thúc đẩy như: già hóa dân số diễn ra nhanh, thu nhập người dân được nâng lên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gây nên nhiều bệnh lý, đặc biệt là các bệnh mãn tính, hiểm nghèo,...

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, số người trên 60 tuổi của Việt Nam đạt khoảng 13 triệu người, tương đương với 13,17% phần trăm tổng dân số. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 29,22 triệu người, chiếm 25,35% tổng dân số Việt Nam vào năm 2050.

Xu hướng người tiêu dùng ngành dược

Xu hướng tiêu dùng ngành dược | Nguồn: Báo Quảng Ngãi

Đặc biệt, sau đại dịch Covid - 19, người dân đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe nên nhu cầu sử dụng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cũng như điều trị bằng thuốc tăng cao. Điều này góp phần khiến mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngành dược.

3. Sự phát triển của các kênh phân phối

Sự phát triển nhanh chóng về số lượng của các chuỗi nhà thuốc lớn tại Việt Nam như FPT Long Châu (khoảng 1.600 nhà thuốc), Pharmacity (khoảng 900 nhà thuốc), An Khang ( khoảng 526 nhà thuốc),... cùng với sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội khiến cho việc phân phối các sản phẩm đến tay người tiêu dùng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn bao giờ hết. Nhiều chuỗi nhà thuốc lớn như Long Châu, BuyMed, Pharmacity,... đã xây dựng nền tảng ứng dụng cho phép khách hàng có thể đặt mua thuốc online một cách đơn giản, tiện lợi.

Các nhà thuốc cung cấp ứng dụng giúp mua thuốc online một cách dễ dàng

Các nhà thuốc cung cấp ứng dụng giúp mua thuốc online một cách dễ dàng | Nguồn: Long Châu

Bên cạnh đó, kênh OTC dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định tương đương với mức tăng trưởng chung của ngành khoảng 7% nhờ hệ thống phân phối rộng lớn của các chuỗi cửa hàng thuốc bán lẻ và hơn 62.000 nhà thuốc truyền thống, dựa trên thói quen mua thuốc tại các cửa hàng bán lẻ thay vì đến bệnh viện của phần đông người dân.

Sự kết hợp giữa kênh phân phối truyền thống và hiện đại này không chỉ tạo ra sự thuận tiện chưa từng có cho người tiêu dùng, mà còn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị phần và tiếp cận đa dạng các nhóm khách hàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của toàn ngành dược.

4. Những bước tiến mới trong việc phát triển sản phẩm

Với nền lịch sử y học cổ truyền có bề dày lịch sử hơn 4.000 năm, kết hợp với hệ sinh thái thực vật phong phú, Việt Nam là quốc gia có thổ nhưỡng và khí hậu vô cùng thuận lợi trong nuôi dưỡng và phát triển các cây thuốc, dược liệu có giá trị. Hiện nay, Việt Nam ghi nhận hơn 13.700 loại thực vật có công dụng chữa bệnh vừa có giá trị kinh tế cao được phân bổ rộng khắp cả nước như: sâm Ngọc Linh, sâm vũ diệp, tam thất, thông đỏ, hoàng liên gai, bách hợp,...

Cùng với sự kết hợp hài hòa giữ khai thác và bảo tồn, Việt Nam hiện có mạng lưới bảo tồn nguồn giống và sở hữu hệ thống nghiên cứu giống cây thuốc trong cả nước, trải dài ở các vùng sinh thái với hơn 1.531 nguồn gen thuộc hơn 880 loài cây thuốc.

Các khu bảo tồn giống thuốc

Các khu bảo tồn giống thuốc | Nguồn: Sức khỏe & Đời sống

Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ kết hợp với các bài thuốc y học dân gian lưu truyền ngàn đời đã và đang cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế và được sự ủng hộ từ phía người tiêu dùng. Để có thể thích ứng với yêu cầu về chất lượng ngày càng cao và phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp dược đã và đang đẩy mạnh quá trình nâng cấp các tiêu chuẩn sản xuất lên GMP - ASEAN; GMP-WHO; PIC/S;...

Việt Nam hiện có 228 nhà máy sản xuất dược đạt tiêu chuẩn GMP - WHO; trong đó có một số công ty uy tín đạt chuẩn GMP - EU như: Công ty Cổ phần Traphaco, Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC, Công ty Cổ phần Nam Dược, Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà; Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh,...

Đội ngũ nhà khoa học y - dược Việt Nam cũng đã có những thành tích đáng được ghi nhận trong các giải thưởng lớn về Y tế như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam, Giải thưởng Tôn Thất Tùng, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, Giải thưởng Kovalevskaia… Những giải thưởng danh giá này không chỉ là niềm vinh dự cho các nhà khoa học đã cống hiến tâm huyết cho sự nghiệp khoa học y - dược, mà còn là nguồn động viên to lớn cho thế hệ khoa học trẻ tiếp nối con đường nghiên cứu, sáng tạo, góp phần mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế - xã hội.

Tiềm năng là có nhưng các doanh nghiệp ngành dược vẫn phải đối mặt với những "hiểm họa" khôn lường

"Tai bay vạ gió" với các doanh nghiệp

Những năm trở lại đây, tình trạng quảng cáo tràn lan thuốc Đông y rầm rộ trên mạng xã hội khiến nhiều người dễ dàng "sập bẫy", dẫn đến "tiền mất, tật mang". Hầu hết các quảng cáo xuất hiện tràn lan trên các mạng xã hội đều tập trung "lăng xê" các loại "Đông y gia truyền" có công dụng chữa "bách bệnh" với những lời ngon ngọt. "Nhà tôi ba đợi nhận chữa xương khớp", "nhà tôi ba đời chữa tiểu đường", "nhà tôi ba đời chữa suy thận",... là những câu nói thường gặp trong nhiều quảng cáo này.

Quảng cáo thuốc tràn lan trên mạng xã hội

Quảng cáo thuốc tràn lan trên mạng xã hội | Nguồn: Bộ VHTTDL

Không chỉ vậy, những dược liệu được các nhà nghiên cứu cho rằng rất quý là ngay lập tức được làm giả, làm nhái và xuất hiện tràn lan trên thị trường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 10% dược phẩm bán trên toàn thế giới là hàng giả, con số này lên tới 60% ở một số quốc gia. Người tiêu dùng nếu không cẩn thận có thể dễ dàng mua phải "hàng giả", đặc biệt là các loại: sâm, nấm, đông trùng,... với giá trên trời. Sử dụng những dược liệu giả này, tác dụng đâu chưa thấy mà chỉ thấy bệnh thêm trầm trọng hay thậm chí là thêm bệnh mới.

Mặc dù Việt Nam là quốc gia có nguồn dược liệu phong phú và đa dạng, nhưng vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Lượng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng một nửa nhu cầu của thị trường. Điều này càng làm gia tăng tình trạng làm giả nhãn hiệu thuốc ngoại, nhập thuốc giả, thuốc kém chất lượng với mục đích chuộc lợi trên lòng tin và đam mê "sính ngoại" của người tiêu dùng.

Bởi thế mà người tiêu dùng mất dần niềm tin vào các sản phẩm mang tem mác hàng Việt Nam. Điều ảnh làm ảnh hưởng sâu sắc tới uy tín của không ít các doanh nghiệp đã và đang hoạt động chuyên nghiệp, lành mạnh trên thị trường.

Người tiêu dùng không còn dễ dãi

Người tiêu dùng giờ đây đã không còn dễ dàng chấp nhận hay tin tưởng mọi thông tin mà các doanh nghiệp đưa ra. Hành trình của khách hàng trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Nhờ các nguồn thông tin có sẵn trên internet, khách hàng trở nên thông minh và hiểu biết hơn, họ có khả năng tiếp cận thông tin nhanh chóng và dễ dàng. Trước khi đưa ra quyết định mua hàng, họ tìm kiếm thông tin và so sánh đánh giá nhiều hơn về sản phẩm hay thương hiệu.

Người tiêu dùng hiện đại không chỉ đơn thuần tìm kiếm sản phẩm tốt hay giá tốt, mà còn quan tâm đến uy tín và đạo đức kinh doanh của thương hiệu. Họ yêu cầu sự minh bạch, trách nhiệm và cam kết từ phía doanh nghiệp. Cốt lõi của sự thành công vẫn nằm ở lòng tin của khách hàng, và để xây dựng được lòng tin này, doanh nghiệp cần tạo dựng một thương hiệu uy tín và đáng tin cậy, đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Thương hiệu dược phẩm phải cung cấp bằng chứng rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm

Để có được lòng tin và sự ủng hộ của họ, thương hiệu dược phẩm phải cung cấp bằng chứng rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, các chứng chỉ, kết quả kiểm nghiệm lâm sàng, quy trình sản xuất và nghiên cứu,... và minh bạch trong mọi quy trình. Ngoài ra, thương hiệu còn phải có chính sách hậu mãi, chăm sóc sau mua để khách hàng quay lại ủng hộ sản phẩm và thương hiệu.

Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu rằng, các doanh nghiệp hoạt động thiếu minh bạch và không chuyên nghiệp sẽ dần bị loại bỏ, trong khi những doanh nghiệp làm ăn lành mạnh, chỉn chu sẽ tiếp tục phát triển bền vững.

Giải pháp xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp ngành dược phẩm

Cốt lõi của việc xây dựng & phát triển thương hiệu ngành y tế nói chung hay ngành dược nói riêng đến từ việc lấy khách hàng làm trung tâm thay vì "lấy thương hiệu làm trung tâm" như thời kỳ trước. Đặt lợi ích và sự an toàn của khách hàng lên trên hết và doanh nghiệp phải thể hiện được sự chuyên nghiệp, minh bạch và tận tâm trong mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh.

Sau đây là một số giải pháp cụ thể trong việc xây dựng & phát triển thương hiệu ngành dược được công ty Nghiên cứu thị trường và Tư vấn thương hiệu Mibrand chỉ ra sau thời gian nghiên cứu và làm việc cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm.

  • Lấy khách hàng làm trọng tâm - Chìa khóa để phát triển bền vững

Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày nay, lấy khách hàng làm trọng tâm (customer centricity) đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của doanh nghiệp. Đây là chiến lược kinh doanh đề cao tầm quan trọng của khách hàng, đặt nhu cầu và mong muốn của họ lên hàng đầu trong mọi quyết định.

Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần phải thực hiện nghiên cứu thị trường một cách kĩ lưỡng để nắm bát thông tin về khách hàng, thị trường và nội tại doanh nghiệp để có thể đưa ra chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp, cung cấp các dịch vụ tối ưu và lắng nghe phản hồi của khách hàng.

  • Đầu tư cho các yếu tố tạo nên sự độc đáo của sản phẩm như công thức, thành phần nguyên liệu, công nghệ, dạng bào chế.

Các yếu tố tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm thông qua việc nghiên cứu và phát triển công thức độc quyền, sử dụng nguyên liệu đặc biệt, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất,... chính là yếu tố quan trọng để tạo lợi thế cạnh tranh cho thương hiệu, các sản phẩm sẽ khó bị sao chép và tạo ra giá trị riêng biệt để trụ vững trên thị trường.

  • Đầu tư hơn trong thiết kế bao bì nhãn mác, đẩy mạnh truyền thông đa kênh

Người dùng ngày càng trở nên "duy mỹ" hơn, một sản phẩm có sự đầu tư về bao bì, nhãn mác cùng với một chiến dịch truyền thông ấn tượng sẽ dễ ghi điểm trong mắt khách hàng và tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể trên thị trường.

Một bao bì cuốn hút tạo ra sự kết nối cảm xúc với khách hàng, khách hàng có thể dễ dàng nhận diện thương hiệu, dẫn đến sự trung thành và ưu tiên lựa chọn sản phẩm. Xu hướng này phản ánh sự tinh tế và đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng hiện đại, không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn về trải nghiệm thẩm mỹ tổng thể.

Bên cạnh đó, ngành dược phẩm cũng gặp phải nhiều hạn chế trong việc quảng cáo khi phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về quảng cáo thuốc. Tuy nhiên điều này lại mang đến lợi ích vô cùng lớn tới khách hàng khi các doanh nghiệp buộc phải có các hoạt động truyền thông tới khách hàng một cách "có trách nghiệm" hơn, tập trung vào việc cung cấp thông tin hữu ích về sản phẩm, làm nổi bật thông tin, cung cấp thông tin minh bạch, hướng dẫn sử dụng an toàn và hiệu quả, xây dựng lòng tin với thương hiệu, thay vì phóng đại công dụng hoặc che giấu tác dụng phụ. Nhờ vậy, người tiêu dùng có thể hiểu rõ hơn về sản phẩm và đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt.

  • Xây dựng chiến lược thương hiệu và định vị thương hiệu rõ ràng

Việc có một định vị rõ nét sẽ làm kim chỉ nam cho toàn bộ chiến lược thương hiệu cho doanh nghiệp. Định vị thương hiệu rõ ràng giúp cho các chiến dịch truyền thông hay kinh doanh có thể được thiết kế một cách có chủ đích, đảm bảo rằng mỗi thông điệp truyền tải đều phục vụ một mục tiêu cụ thể, từ việc nâng cao nhận thức thương hiệu cho đến việc tăng cường sự tham gia của công chúng. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn tăng cường hiệu quả của từng hoạt động truyền thông, đưa thương hiệu tiếp cận gần hơn với mục tiêu cuối cùng của mình trong việc tạo ra một dấu ấn trong tâm trí khách hàng một cách đặc biệt và lâu dài.

Các thương hiệu dược phẩm có xu hướng ưu tiên phát triển theo đường lối "buôn", chủ yếu tập trung vào phát triển hệ thống phân phối rộng khắp, phân phối càng nhiều, kết quả kinh doanh càng hiệu quả. Điều này dẫn đến một hệ quả rằng nhiều sản phẩm bán rất chạy tại nhiều nhà thuốc, quầy thuốc,.. nhưng người tiêu dùng lại chưa hề biết đến tên thương hiệu của nhãn sản phẩm đó, thương hiệu không có độ đọng nhớ trong tâm trí người tiêu dùng.

Đối với các ngành liên quan trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng, thương hiệu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo chứng cho chất lượng sản phẩm. Các hoạt động phát triển thương hiệu cần được thực hiện một cách trung thực và chính xác, tránh cung cấp thông tin gây hiểu lầm hoặc không đúng sự thật. Đối với các thương hiệu mới, việc hợp tác với các chuyên gia, bác sĩ và các tổ chức y tế uy tín để chứng thực và giới thiệu sản phẩm sẽ giúp tạo dựng niềm tin ban đầu từ người tiêu dùng.

  • Đo lường sức khỏe thương hiệu thường xuyên

Về bản chất, đo lường sức khỏe thương hiệu chính là đo lường mức độ ảnh hưởng của thương hiệu đối với các bên liên quan, được xác định bởi nhiều yếu tố. Việc đánh giá và theo dõi sức khỏe thương hiệu định kỳ sẽ giúp các doanh nghiệp nhận diện được những thay đổi trong nhận thức của khách hàng về thương hiệu, hiệu quả của các chiến dịch truyền thông, và hiệu quả của chiến lược thương hiệu. Từ đó có những điều chỉnh kịp thời mang tính chiến lược để phản ứng lại với các thay đổi của thị trường. Các chỉ số đo lường có thể bao gồm độ nhận diện thương hiệu, sự hài lòng của khách hàng, mức độ tương tác trên các kênh truyền thông, phản hồi thương hiệu, cộng hưởng thương hiệu,...

Tóm lại, việc phát triển thương hiệu trong ngành dược tại Việt Nam đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược và quyết tâm thực hiện một cách bền bỉ trong dài hạn. Các tổ chức Y tế nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp Dược phẩm, cần hiểu rõ về thị trường, xác định giá trị cốt lõi và áp dụng những phương pháp hiệu quả để tạo dựng một hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ, nổi bật và nhất quán. Chỉ khi thực hiện đúng chiến lược và tận dụng những yếu tố cốt lõi mang tính cạnh tranh, thương hiệu mới có thể duy trì sự cạnh tranh trong thị trường dược phẩm "sôi nổi" hiện nay và tăng trưởng về giá trị thương hiệu sau này.

Thông tin liên hệ:

  • Website: www.mibrand.vn

  • Người liên hệ: Mr. Lại Tiến Mạnh – Giám đốc Điều hành

  • Điện thoại: 0902 598 228

  • Email: [email protected]

  • Địa chỉ: Số 22, P. Mai Anh Tuấn, Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội