Decision Lab: Định hình lại xu hướng tiêu dùng mạng xã hội tại Việt Nam

Decision Lab: Định hình lại xu hướng tiêu dùng mạng xã hội tại Việt Nam

Decision Lab đã phát hành ấn bản mới nhất của báo cáo định kỳ “The Connected Consumer” cho quý II/2024. Báo cáo này cung cấp những thông tin mới nhất về xu hướng tiêu dùng số của người Việt, qua đó giúp các thương hiệu xây dựng chiến lược tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng một cách tối ưu. Số liệu trong quý vừa qua ghi nhận những sự chuyển dịch đáng kể trong thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt.

Threads đang ngày càng thu hút thế hệ Millennials

Ứng dụng mạng xã hội Threads của Meta, ra mắt vào tháng 7/2023, đang cho thấy tốc độ phát triển vượt bậc tại thị trường Việt Nam. Báo cáo “The Connected Consumer” quý II/2024 của Decision Lab chỉ ra rằng, Threads đang nhanh chóng mở rộng tệp người dùng của mình vượt ra ngoài đối tượng Gen Z, với thế hệ Millennials ngày càng tăng cường sử dụng nền tảng này.

Cụ thể, trong quý II vừa qua, tỷ lệ người dùng Threads tại Việt Nam đạt 10%, tăng 5 điểm phần trăm so với quý trước. Sự tăng trưởng này đến từ việc nền tảng này đang được đón nhận tích cực bởi nhiều nhóm tuổi:

  • Gen Z tăng 6% tỷ lệ sử dụng
  • Gen Y có mức tăng ấn tượng về tỷ lệ sử dụng 7%

Đáng chú ý, mức tăng trưởng đáng kể ở thế hệ Millennials cho thấy Threads đã vươn ra khỏi phạm vi người dùng chủ chốt là Gen Z và đang dần chinh phục các nhóm đối tượng khác.

Threads đang ngày càng thu hút thế hệ Millennials.

Trong thế giới mạng xã hội, Gen Z thường là những người đi tiên phong trong việc đón nhận và sử dụng các nền tảng mới. Xu hướng này được thể hiện rõ nét trên nhiều ứng dụng như TikTok và YouTube, nơi thế hệ người dùng trẻ hào hứng khám phá và định hình các trào lưu trên không gian số. Tỷ lệ thâm nhập của Threads tại Việt Nam cũng mang đặc điểm tương tự. Khi Gen Z bắt đầu sáng tạo nội dung, tương tác với các tính năng và chia sẻ tiếng nói của mình trên nền tảng này, họ vô tình tạo nên một làn sóng mới và từ từ thu hút sự chú ý của các thế hệ lớn tuổi hơn. 

Bên cạnh đó, sự phát triển của Threads sang nhóm đối tượng Gen Y cũng có thể một phần xuất phát từ bản chất của nền tảng này như một trang mạng xã hội microblogging. Thế hệ Millennials, sinh từ năm 1981 đến 1997, là những người đầu tiên sử dụng internet và rất quen thuộc với các nền tảng blog trực tuyến. Sự thân thuộc này khiến Threads, với tính chất của một mạng xã hội dựa trên văn bản, trở nên dễ tiếp cận hơn với họ. 

Khi Threads tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, nó mang đến cơ hội lớn cho các thương hiệu và nhà tiếp thị trong việc kết nối với người tiêu dùng trên không gian số. Song, tính bền vững lâu dài của đà tăng trưởng này vẫn cần thời gian để kiểm chứng. Trong bối cảnh các nền tảng khác cũng đang liên tục đổi mới để giữ chân người dùng, Threads cần tiếp tục phát triển các tính năng, và dịch vụ để tạo thêm động lực và duy trì tiến độ phát triển. Khả năng thích ứng với sự thay đổi trong sở thích của người dùng, giải quyết các thách thức tiềm ẩn và tạo sự khác biệt so với đối thủ sẽ là những yếu tố then chốt quyết định thành công trong tương lai của Threads trên thị trường mạng xã hội của Việt Nam. 

TikTok đang trở thành một mạng xã hội không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của người Việt

Sau giai đoạn chững lại trong quý trước, TikTok ghi nhận sự tăng trưởng trở lại với tỷ lệ thâm nhập kỷ lục 68% trong quý II/2024. Trong 5 nền tảng mạng xã hội hàng đầu tại Việt Nam, TikTok là ứng dụng duy nhất cho thấy sự tăng trưởng trong quý vừa qua. Điều này càng nhấn mạnh tiềm năng và sức hút của nền tảng này trên thị trường.

Trong 5 nền tảng mạng xã hội hàng đầu tại Việt Nam, TikTok là ứng dụng duy nhất cho thấy sự tăng trưởng.

Trong báo cáo “The Connected Consumer quý II/2024”, Decision Lab sử dụng chỉ số “Ứng dụng quan trọng nhất” để đo lường nền tảng mạng xã hội người Việt coi là thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Theo dữ liệu, Facebook, Zalo và YouTube vẫn tiếp tục là ba nền tảng mà người tiêu dùng Việt Nam không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, từ quý I/2023, Facebook và YouTube đã thể hiện xu hướng sụt giảm trong mức độ cần thiết đối với người Việt. Trong khi đó, ứng dụng tin nhắn Zalo lại ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ. Song, khi so sánh quý II/2024 với quý trước đó, cả ba nền tảng này đều ghi nhận sự giảm sút về mức độ cần thiết, với những thay đổi khác nhau tuỳ thuộc vào các nhóm tuổi.

Facebook, Zalo và YouTube vẫn tiếp tục là ba nền tảng mà nguời tiêu dùng Việt Nam không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Giữa những biến động này, TikTok vươn lên trở thành một nền tảng nổi bật với sự gia tăng không ngừng về mức độ thiết yếu, đạt mức 11% trong quý II/2024. Đáng chú ý, TikTok ghi nhận sự gia tăng ở cả ba thế hệ trong giai đoạn năm 2024. Thành tích này một lần nữa khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng vững chắc của TikTok trong bức tranh tiêu dùng mạng xã hội tại Việt Nam. Đồng thời, nó cũng nhấn mạnh tiềm năng phát triển mạnh mẽ của nền tảng này trên một thị trường đầy biến động và cạnh tranh.

TikTok ghi nhận sự gia tăng ở cả ba thế hệ trong giai đoạn năm 2024.

YouTube đang phải đối mặt với những thách thức mới khi thị hiếu của người Việt đang dần thay đổi

Quý II/2024 đánh dấu một giai đoạn đầy thách thức đối với YouTube tại thị trường Việt Nam khi nền tảng này chứng kiến sự suy giảm đáng kể về mức độ tiêu thụ nội dung. Cụ thể, tỷ lệ người dùng xem các video giải trí dài và ngắn đều giảm sút. Đồng thời, sức hút của các thể loại như phim ảnh, âm nhạc và chương trình truyền hình cũng không còn như trước. So với quý trước, YouTube ghi nhận mức độ thâm nhập thị trường giảm từ 2 đến 5 điểm phần trăm ở các hạng mục này, phản ánh sự chuyển biến rõ rệt trong thị hiếu của người dùng.

Đáng chú ý, mức độ sử dụng nền tảng này cho các video âm nhạc và giải trí – vốn là trụ cột cho sự thành công của YouTube tại Việt Nam – đã giảm 4 điểm phần trăm, kéo tỷ lệ thâm nhập xuống còn 82% trong quý II/2024.

YouTube chứng kiến sự suy giảm đáng kể về mức độ tiêu thụ nội dung.

Ở chiều hướng tích cực, YouTube vẫn giữ được thế mạnh trong việc thu hút người dùng lướt web không mục đích cụ thể. Tỷ lệ ưu tiên cho hoạt động này đã tăng 3%, đặc biệt trong các nhóm người dùng thuộc thế hệ Z và Y. Điều này mang đến cho các thương hiệu cơ hội tốt để tiếp cận đối tượng mục tiêu, bởi khi lướt web không có mục đích rõ ràng, người dùng thường sẵn sàng khám phá và tương tác với những nội dung và ý tưởng mới lạ.

Để tận dụng điều này, các thương hiệu cần chú trọng xây dựng nội dung hấp dẫn, sinh động và giàu cảm xúc, giúp tạo ra sự kết nối tự nhiên với trải nghiệm lướt web của người dùng. Bằng cách đó, các thương hiệu có thể nâng cao nhận diện thương hiệu, tăng sự tương tác và thúc đẩy hành vi mua hàng của khách hàng tiềm năng.

YouTube vẫn giữ được thế mạnh trong việc thu hút người dùng lướt web không mục đích cụ thể.

Thue Quist Thomasen, CEO của Decision Lab, chia sẻ: “Quý II năm 2024 đã chứng kiến sự thay đổi trong vai trò của các nền tảng mạng xã hội trong đời sống của người Việt Nam. Trong khi một số nền tảng ghi nhận sự gia tăng rõ rệt về độ phổ biến, thu hút sự quan tâm của người dùng số, thì những nền tảng khác lại gặp khó khăn trong việc lấy lại động lực tăng trưởng.

Khi hành vi tiêu dùng tiếp tục phát triển, bối cảnh số cũng không ngừng thay đổi. Do đó, để phát triển mạnh mẽ trong môi trường năng động này, các doanh nghiệp cần phải linh hoạt và chủ động nhiều hơn nữa. Việc theo dõi sát sao sở thích của người dùng và điều chỉnh chiến lược cho phù hợp là rất quan trọng để thu hút đối tượng mục tiêu và duy trì lợi thế cạnh tranh”.

Tải xuống báo cáo đầy đủ “The Connected Consumer quý II/2024” tại đây.