Cốc Cốc: Hiểu hơn về hành vi mua sắm các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp của người Việt
Cùng với nhu cầu chăm sóc sắc đẹp ngày một tăng cao, ngành công nghiệp mỹ phẩm tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ cùng với sự xuất hiện đa dạng của các sản phẩm, thương hiệu từ dưỡng da, chăm sóc tóc đến các sản phẩm tạo mùi hương…
Nhằm cung cấp và cập nhật những thông tin mới nhất về nhu cầu và hành vi mua sắm các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp của người tiêu dùng Việt, Cốc Cốc đã thực hiện khảo sát trực tuyến với 788 đáp viên trên nền tảng. Theo đó, báo cáo khảo sát cung cấp một cái nhìn toàn diện nhất về hành vi tiêu dùng các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, từ đó giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường và tìm ra những chiến lược tiếp cận hiệu quả.
(*) Các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp được đề cập trong báo cáo bao gồm: Dầu gội/Dầu xả/Sữa tắm; Sản phẩm chăm sóc da (sữa rửa mặt, kem chống nắng, kem dưỡng trắng...); Lăn/xịt khử mùi cơ thể; Nước hoa; Dung dịch vệ sinh.
Có thể khẳng định, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp đang dần trở thành những mặt hàng thiết yếu, không thể thiếu đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, có gần 70% đáp viên đã từng mua sắm các sản phẩm chăm sóc tóc và cơ thể và hơn 1/2 đã từng mua các sản phẩm chăm sóc da. Bên cạnh đó, các sản phẩm mùi hương và dung dịch vệ sinh tuy không phổ biến bằng nhưng cũng có tới 1/4-1/3 lượng đáp viên đã từng lựa chọn.
Theo kết quả khảo sát, các sản phẩm cơ bản như dầu gội/dầu xả/sữa tắm và sản phẩm chăm sóc da nằm trong dự định mua sắm của người tiêu dùng trong thời gian tới, cụ thể:
- Các sản phẩm cơ bản như dầu gội/dầu xả/sữa tắm nằm trong dự định mua sắm ở tương lai gần của hơn 56% người tiêu dùng.
- Các sản phẩm chăm sóc da cũng được ưu tiên mua sắm bởi gần 50% đáp viên.
- Các sản phẩm về mùi hương và dung dịch vệ sinh ít được mua mới hơn so với 2 nhóm sản phẩm trên trong 2 tháng tới.
Về giới tính, phái nữ có xu hướng mua sắm nhiều hơn phái nam ở hầu hết các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, đặc biệt là các sản phẩm chăm sóc da và dung dịch vệ sinh với tỷ lệ cao gấp 2,2 và 2,6 lần so với phái nam. Phái nam tuy có tần suất mua sắm ít hơn, nhưng tỷ lệ mua hàng ngày hoặc hàng tuần của họ lại cao gấp 1,3 lần so với nữ giới với 30,8%.
Về khu vực, tỷ lệ mua sắm ở khu vực thành thị cao hơn so với nông thôn, đặc biệt là với các sản phẩm về mùi hương và chăm sóc da. Hơn nữa, người tiêu dùng ở khu vực thành thị có xu hướng chi tiêu cao hơn cho các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.
Về độ tuổi, nhóm 16-24 tuổi ưu tiên mua sắm các sản phẩm chăm sóc da, đây là sản phẩm xếp hạng 1 trong dự định mua sắm của nhóm tuổi này. Với nhóm 25+, họ lại cho thấy sự quan tâm đặc biệt tới nước hoa khi mà tỷ lệ dự định mua cao gấp 1,2-2,3 lần nhóm tuổi khác.
Khi được hỏi về tiêu chí chọn mua, hơn 56% người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm gắn liền với yếu tố tự nhiên, hướng đến sự phát triển bền vững. Gần 35% đáp viên cho biết họ sẽ chọn mua các sản phẩm tích hợp nhiều công dụng hay rút ngắn thời gian, đơn giản hóa quy trình làm đẹp.
Về tần suất mua sắm các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, hơn 1/2 người tiêu dùng có thói quen mua thường xuyên hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng và 31,1% mua với tần suất không cố định. Các nhóm tuổi cũng thể hiện sự khác biệt khi có gần 50% đáp viên U16 cho biết họ mua sắm không cố định. Độ tuổi 16-34 chi tiêu thường xuyên hơn với hơn 30% mua sắm hàng ngày hoặc hàng tuần, với các nhóm tuổi khác thì tỷ lệ này chỉ dao động từ 23,1-27,2%.
Dưới 300.000 đồng/sản phẩm là mức giá trung bình mà người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả cho 1 sản phẩm. Ở mức giá thấp (<100 nghìn), tỷ lệ đáp viên nông thôn lựa chọn cao gấp 1,7 lần so với thành thị. Ở mức giá cao hơn (từ 300 nghìn đến dưới 500 nghìn và từ 500 nghìn trở lên), tỷ lệ đáp viên thành thị sẵn sàng chi trả cao gấp 1,4 và 2,1 lần so với nông thôn.
Người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn về các địa điểm mua sắm với gần 41% chọn mua tại các siêu thị/cửa hàng tạp hóa/cửa hàng tiện lợi, 32% chọn mua qua các kênh trực tuyến, sàn thương mại điện tử. Nam giới thường ưu tiên mua sắm ở các địa điểm phổ biến và tiện lợi như siêu thị/cửa hàng tạp hóa/cửa hàng tiện lợi. Trong khi đó, nữ giới lại tiếp cận nhiều với việc mua sắm trực tuyến và cửa hàng thương hiệu hơn. Số liệu từ khảo sát cho thấy, mua sắm trực tuyến đã và đang mang lại nhiều thuận lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt là sự đa dạng, mức giá và đánh giá.
Về kênh tiếp cận, các phương tiện quảng cáo trực tuyến hiện đang là kênh truyền thông chiếm tỷ lệ cao nhất với ~60%, vượt hơn hẳn độ phổ biến của các kênh quảng cáo khác. Trong đó, mạng xã hội và công cụ tìm kiếm chính là những trợ thủ đắc lực của người tiêu dùng trong quá trình ra quyết định mua sắm với hơn 40% người tiêu dùng lựa chọn.
Từ hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt, chúng ta có thể thấy những cơ hội và tiềm năng lớn cho doanh nghiệp ngành chăm sóc sắc đẹp. Việc tận dụng và tối ưu hiệu quả những xu hướng tiêu dùng sẽ giúp các doanh nghiệp lên kế hoạch phát triển thị trường phù hợp, đầu tư nguồn lực cho phát triển các sản phẩm mới dành cho từng nhóm khách hàng khác nhau.