Cốc Cốc: Báo cáo ngành nước ngọt có ga – Thị trường tỷ đô và cuộc đua của các thương hiệu lớn
Thị trường CSD (nước ngọt có ga) tại Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ cùng với sự góp mặt của nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước. Không chỉ đơn thuần là thức uống giải tỏa cơn khát mà CSD còn trở thành một phần không thể thiếu trong các bữa tiệc hay sự kiện hằng ngày.
Để hiểu rõ hơn về xu hướng tiêu dùng, động lực mua hàng và những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, Cốc Cốc đã thực hiện khảo sát với 1.286 người dùng trên nền tảng và ra mắt “Báo cáo ngành nước ngọt có ga”. Báo cáo phân tích những xu hướng tiêu dùng, động lực và thói quen mua sắm của người tiêu dùng tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Đồng thời chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn thương hiệu nước giải khát của người tiêu dùng Việt.
Thói quen và xu hướng tiêu thụ nước ngọt có ga
Theo số liệu từ báo cáo, nước giải khát có ga là một sản phẩm quen thuộc và là sự lựa chọn phổ biến đối với người tiêu dùng Việt Nam ở mọi độ tuổi, đặc biệt là với nhóm tuổi 18-26. Trung bình có 7% đáp viên uống nước ngọt hàng ngày, 22% cho hàng tuần. Tần suất sử dụng hàng ngày có xu hướng tăng dần theo tuổi, với 4% ở nhóm dưới 18 tuổi và tăng lên 12% với nhóm trên 45 tuổi.
Các sự kiện xã hội như tiệc tùng, lễ hội, và khi tụ họp với bạn bè, gia đình là những dịp mà người tiêu dùng uống nước ngọt có ga nhiều nhất. Đối với nhóm người dùng trẻ, nước giải khát còn được ưa chuộng trong các hoạt động giải trí như xem phim, lướt web hay chơi game.
Ba miền cũng có sự khác biệt về dịp tiêu thụ nước giải khát có ga. Trong khi miền Bắc và miền Trung thường có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn trong các dịp lễ hội, tiệc tùng hay tụ họp gia đình, bạn bè thì miền Nam lại có thói quen sử dụng nước giải khát trong các hoạt động giải trí như xem phim, lướt web hay chơi game. Tuy vậy, tựu chung lại, các bữa tiệc vẫn là dịp tiêu thụ nước giải khát nhiều nhất với tỷ lệ từ 45-54% ở cả 3 miền.
Khi được hỏi về động lực tiêu dùng, Top 4 lý do phổ biến nhất với khảo sát năm 2024 không thay đổi so với năm 2023. Có 45% người tiêu dùng cho biết họ uống nhằm mục đích giải khát, 38% để tạo cảm giác sảng khoái, 35% nhằm tăng cảm giác ngon miệng khi ăn và 33% bởi hương vị của sản phẩm.
Theo dữ liệu từ khảo sát, các thương hiệu phổ biến nhất trong danh sách lựa chọn của người tiêu dùng Việt bao gồm Coca-Cola với 75%, Pepsi với 43% và 7Up với 36%. Số liệu của khảo sát cũng chỉ ra sự cạnh tranh trong cuộc đua thị phần giữa 2 “kỳ phùng địch thủ” Coca-Cola vs Pepsi và các thương hiệu lớn khác tại Việt Nam, cụ thể:
- Xét về nhóm tuổi, trong khi Coca-Cola duy trì mức độ phổ biến cao ở tất cả nhóm tuổi thì Pepsi lại cho thấy thị phần lớn hơn ở nhóm người tiêu dùng trẻ.
- Xét theo vùng miền, Coca-Cola phổ biến hơn ở phía Bắc, trong khi Pepsi lại được ưa chuộng hơn ở miền Trung và khu vực phía Nam. 7Up và và Mirinda được ưa chuộng nhiều hơn ở miền Nam trong khi Sprite lại ở phía bắc.
- Xét về khu vực, người tiêu dùng khu vực nông thôn lựa chọn Coca-Cola nhiều hơn trong khi Fanta và Sprite lại được ưa chuộng hơn ở các khu vực đô thị. Pepsi, 7up và Mirinda cho thấy sự tương đồng giữa các khu vực.
Hành vi tiêu dùng nước ngọt có ga trong những bữa ăn của người Việt
Thói quen tiêu thụ nước giải khát có ga trong các bữa ăn cũng được phân tích và đề cập chi tiết trong báo cáo. Theo đó, có 57% đáp viên cho biết nước ngọt giúp họ cảm thấy ngon miệng hơn, 48% giải tỏa cơn khát trong bữa ăn và 23% sẽ ăn được nhiều hơn khi uống nước ngọt. Điều này cho thấy nước giải khát không chỉ là thức uống đi kèm mà còn đóng vai trò hỗ trợ trong việc kích thích vị giác khi ăn, đặc biệt là đối với các loại thức ăn nhanh như hamburger, pizza và các món nướng, BBQ.
- Về nhóm tuổi, Gen Z đặc biệt yêu thích uống nước ngọt cùng với đồ ăn nhanh, trong khi Gen Y lại thường sử dụng trong những bữa tiệc nướng hay BBQ.
- Về vùng miền, uống nước ngọt khi ăn đồ ăn nhanh là thói quen phổ biến của hầu hết các vùng miền, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc với 57%.
- Về dịp, bữa trưa vẫn là thời điểm mà người dùng sử dụng nước ngọt có ga nhiều nhất với 38% đáp viên lựa chọn. Đáng chú ý, có 10% đáp viên ở khu vực phía Nam cho biết họ uống nước ngọt vào bữa sáng, tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với 2 miền còn lại.
Khi được hỏi “Bạn sẽ mua thêm nước ngọt có ga trong trường hợp nào?”, người tiêu dùng cho biết sẽ có xu hướng mua thêm nước giải khát khi đặt đồ ăn nếu một số điều kiện cụ thể được đáp ứng. 32% sẽ mua nếu phù hợp với bữa ăn, 20% nếu có giá ưu đãi và 14% sẽ mua thêm để nhận ưu đãi giảm giá. Có thể thấy, ngoài việc kết hợp với bữa ăn, yếu tố về giá bán và khuyến mãi chính là những động lực quan trọng thúc đẩy việc mua hàng.
Số liệu khảo sát cho thấy miền Trung là khu vực nhạy cảm nhất với giá cả. Trong khi nhóm tuổi trẻ (dưới 35) có xu hướng chủ động hơn trong việc mua thêm thì nhóm tuổi lớn hơn (trên 35) lại quan tâm hơn đến yếu tố giá cả và chỉ mua thêm khi có khuyến mãi hoặc giảm giá.
Có 35% người tiêu dùng có thói quen gọi thêm nước giải khát khi đi ăn ngoài, 32% sẽ lựa chọn sử dụng buffet nước hoặc đồ uống miễn phí kèm theo, 20% sẽ uống nếu hình ảnh đồ uống được quảng cáo nhiều tại nhà hàng.
Người tiêu dùng miền Bắc và miền Trung có xu hướng xem việc tiêu thụ nước giải khát khi ăn ngoài là một phần không thể thiếu, với tỷ lệ lần lượt là 34% và 40%.Trong khi đó, miền Nam lại bị ảnh hưởng nhiều bởi các ưu đãi/ miễn phí hoặc từ gợi ý của nhân viên nhà hàng.
Xu hướng và tiêu chí mua hàng
Người tiêu dùng Việt Nam thường mua nước giải khát có ga chủ yếu để phục vụ các nhu cầu xã hội, giải trí và các dịp đặc biệt như tụ tập, sinh nhật, hẹn hò với tỷ lệ trung bình khoảng 54%, đặc biệt đối với nhóm dưới 18 tuổi, con số này là 63%. Bên cạnh đó, có tới 50% người tiêu dùng cũng cho biết họ thường mua vào bất kỳ lúc nào phát sinh nhu cầu.
Lon vẫn là sự lựa chọn phổ biến nhất đối với người tiêu dùng Việt trong 2024 với 71% đáp viên lựa chọn. Tiếp đó là chai nhựa với 19% và chai thủy tinh với 10%. Người tiêu dùng trẻ dưới 35 thường mua lẻ theo lon/ chai trong khi các nhóm lớn tuổi hơn có xu hướng mua theo thùng/két cho các dịp đặc biệt.
Các kênh mua hàng ngày càng mở rộng, người tiêu dùng cũng có nhiều lựa chọn đa dạng hơn, tuy vậy với các sản phẩm nước ngọt có ga, kênh offline vẫn chiếm ưu thế khi có tới 69% đáp viên lựa chọn mua tại các cửa hàng tạp hóa, 53% mua tại siêu thị, 49% tại các cửa hàng tiện lợi. Các kênh online tuy chưa phổ biến rộng rãi nhưng vẫn có 5% người tiêu dùng lựa chọn mua qua các nền tảng thương mại điện tử hoặc mạng xã hội.
Khi phân tích đánh giá của người tiêu dùng theo 4P (Product – Price – Place – Promotion), các yếu tố thuộc về sản phẩm (như thương hiệu, bao bì, hương vị) được 70% người tiêu dùng đánh giá là có tác động quan trọng tới quyết định mua hàng của họ. Giá cả xếp thứ 2 với 39%, đặc biệt là với nhóm dưới 26 tuổi. 30% người tiêu dùng sẽ ưu tiên mua hàng ở những nơi dễ mua và có nhiều kênh phân phối. 17% sẽ bị thu hút bởi các chương trình khuyến mãi, giảm giá.
Mức độ trung thành với các thương hiệu có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm tuổi. Trong khi có 44% đáp viên cho biết họ ưu tiên lựa chọn các thương hiệu quen thuộc nhưng vẫn sẵn sàng thử các thương hiệu mới thì có tới 25% người tiêu dùng cho biết họ sẽ chỉ mua các thương hiệu mà họ yêu thích, đặc biệt là những người lớn tuổi có xu hướng trung thành với một hoặc một vài thương hiệu cố định.
Điểm chạm truyền thông
Thói quen tiếp nhận thông tin truyền thông của người tiêu dùng nước giải khát có ga tại Việt Nam rất đa dạng. Trong khi người tiêu dùng lớn tuổi hơn vẫn ưa chuộng quảng cáo trên các phương tiện truyền thống thì nhóm tuổi trẻ dưới 35 lại bị thu hút bởi quảng cáo trực tuyến.
Cụ thể, các kênh truyền thông truyền thống (như TV, báo chí, radio, rạp chiếu phim) vẫn là kênh phổ biến nhất với 53% người tiêu dùng, tỷ lệ này cao đồng đều ở tất cả mọi độ tuổi. Tiếp đó là quảng cáo trực tuyến với 50% người tiêu dùng tiếp cận, đặc biệt là nhóm tuổi trẻ và người sống tại các khu vực đô thị. Trong đó, mạng xã hội và quảng cáo trên công cụ tìm kiếm có mức tiếp cận cao nhất với lần lượt là 39% và 33%.
Báo cáo đã cung cấp một bức tranh rõ nét về thói quen tiêu thụ nước giải khát có ga của người Việt, với sự khác biệt rõ rệt về tần suất tiêu thụ, sở thích sản phẩm và hành vi mua hàng giữa các nhóm tuổi và khu vực. Hy vọng rằng những thông tin được đề cập trong báo cáo có thể giúp các thương hiệu nước giải khát chinh phục thành công các nhóm khách hàng khác nhau bằng việc xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp, tối ưu hóa giá cả và các chương trình ưu đãi, tận dụng cả kênh truyền thống và hiện đại, kết hợp với các chiến dịch tại điểm bán.