“Check Var” và “Digital Footprint” phản ánh tương quan của mạng xã hội
Các chuỗi sự kiện nổi bật liên tiếp được cộng đồng quan tâm từ thời sự “check var” sao kê để kiểm tra mức độ minh bạch, cho đến các sự kiện giải trí và những cách “đi tìm” lại hành trình mà một ai đó đã từng comment, like, share hay post trên social đang được chú ý rất nhiều. Điều này đã cho ta thấy mạng xã hội hiện nay đang có những xu hướng cần kiểm chứng thông tin một cách cụ thể hơn.
Những đề tài trên mạng xã hội luôn nhận được sự bàn luận của nhiều người, gần đây các chủ đề ngày càng được người đọc, cộng đồng quan tâm hầu hết đều phải có những thông tin rõ ràng, hợp lý và được xem xét, cân nhắc bàn luận nhiều hơn so với trước.
Điển hình như, các thông tin về diễn biến của cơn bão Yagi trong tháng 9 năm 2024. Các tin tức chính thống liên tục được truyền thông và cập nhật đến cộng đồng để giảm thiểu tối đa các thiệt hại về người và tài sản. Đã có rất nhiều nỗ lực từ cá nhân, đến tập thể được người dân ghi lại và chia sẻ lên mạng xã hội để tuyên dương. Qua đây, ta cũng có thể thấy được tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách của những tấm lòng vàng, những tâm hồn đẹp từ những em nhỏ cho đến những doanh nghiệp cùng đồng lòng sẻ chia yêu thương.
Tốc độ "check var" của cộng đồng và nhờ vào công nghệ hiện tại đã giúp mọi nguồn thông tin được lan toả nhanh hơn. “Xã hội” online và độ phủ của tin tức thời sự được lan truyền rộng rãi. Mọi kêu gọi chính thống đều được quan tâm. Sau đó là sự ủng hộ của hàng triệu người để giảm tải những thiệt hại, chia sẻ một phần sức người, tấm lòng đến những nơi bị ảnh hưởng.
Một trong những điểm sáng nổi bật trong những ngày qua đó chính là những thông tin “check var” sao kê, kiểm tra khoản đóng góp trên mạng xã hội và phát hiện nhiều người sống ảo. Với khoản đóng góp và số tiền thực tế mà họ đã chuyển khoản đến MTTQ có sự chênh lệch với những gì mà họ đã "khoe" trên mạng xã hội.
Sức nóng của việc “check var” chính là nhằm “phòng chống phông bạt” trên mạng xã hội, kêu gọi mọi người cần minh bạch và sống trung thực.
Những câu chuyện trên mạng xã hội trước kia, người ta thường hay nói đó là những “vô bổ”, không được kiểm tra thông tin một cách kỹ lưỡng. Nhưng đến nay, khi nhiều nguồn thông tin khác nhau, không hẳn chỉ còn những “anh hùng bàn phím” hay những “bảnh” viết những nội dung chưa xác thực, thì những con người lướt trước màn hình điện thoại, máy tính đã thực sự có những cái nhìn khách quan và cần có những kiểm chứng rõ ràng hơn. Bên cạnh đó cũng một phần cho thấy những thông tin chính thống khách quan đã luôn đưa ra kịp thời khi cùng lúc khẳng định và cung cấp thông tin chuẩn xác.
Đứng trước những tin tức về một cá nhân hay tổ chức, nếu cộng đồng quan tâm, họ cũng sẽ bắt đầu tìm hiểu sâu về các nội dung, post chia sẻ của cá nhân tổ chức đó đã từng đề cập đến. Trong marketing, truyền thông thì đây có thể được gọi là Digital footprint. Bạn có thể hiểu một cách đơn giản là những dấu vết dữ liệu mà người dùng internet tạo ra trong quá trình sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Bởi nên, tất cả các hành động của 1 tài khoản online đều có thể được cộng đồng để ý đến. Nên các hoạt động thường xuyên của tài khoản có thể là điều hướng tốt nhưng cũng có thể ngược lại.
Mạng xã hội là một “kênh online” kết nối nhanh chóng và hiện tại mọi hoạt động hay những phát ngôn của một chủ tài khoản nào đó đều có thể được quan tâm. Tất cả những người dùng mạng xã hội đều có nhận định riêng và có những kiểm chứng nhất định về mức độ thông tin ấy. Chính vì vậy, giữa 1 thông tin, người dùng mạng xã hội hiện nay đã có những cân nhắc nhất định. Và xu hướng về sau, mọi người sẽ phân tích sâu hơn các thông tin, và tìm cách kiểm định, nghiên thông tin đa chiều, cũng như tìm kiếm các tools đa dạng hơn để nhận định một vấn đề.