Cốc Cốc: Giải mã thói quen mua thực phẩm đóng gói của người tiêu dùng Việt
Trong bối cảnh ngành thực phẩm đóng gói tại Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là với sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và nhu cầu sinh hoạt, việc hiểu rõ động lực và xu hướng tiêu dùng trở thành yếu tố quyết định sự thành công của các doanh nghiệp.
Nhằm đưa ra những cái nhìn sâu sắc nhất về thị trường thực phẩm đóng hộp, Cốc Cốc đã thực hiện một khảo sát trực tuyến với sự tham gia của 930 đáp viên trên nền tảng. Báo cáo này mang đến bức tranh tổng quan về thị trường thực phẩm đóng gói tại Việt Nam, đồng thời chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người dùng.
Tổng quan về thị trường thực phẩm đóng gói tại Việt Nam
Trong hai năm qua,thực phẩm đóng gói đã trở thành một mặt hàng thiết yếu và đóng vai trò quan trọng trong thị trường Việt Nam. Có thể thấy, dòng sản phẩm này đang phát triển nhanh chóng nhờ vào những thay đổi trong hành vi tiêu dùng và sự gia tăng của các yếu tố thúc đẩy khác như đô thị hóa, thu nhập tăng và lối sống bận rộn. Người tiêu dùng Việt ngày càng ưa chuộng các sản phẩm tiện lợi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Dữ liệu thu thập được từ khảo sát cho thấy sản phẩm mì ăn liền vẫn giữ vững vị thế của mình, chiếm tỷ lệ hơn 80% trong suốt 2 năm gần đây. Trong khi đó, các sản phẩm như phở và cháo ăn liền đang ngày càng thu hút sự chú ý, phản ảnh sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng. Ngược lại, một số danh mục sản phẩm khác đang có dấu hiệu suy giảm, cho thấy một thị trường đầy cạnh tranh, nơi mà thị hiếu của người tiêu dùng liên tục biến đổi.
- Tần suất tiêu thụ: 37% người tiêu dùng Việt thường sử dụng thực phẩm đóng gói với tần suất phổ biến nhất khoảng 2-3 lần/tuần, tăng 8% so với số liệu khảo sát năm 2023.
- Thương hiệu ưa chuộng: Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, Hảo Hảo khẳng định vị thế dẫn đầu trên đường đua với tỷ lệ 60%, Omachi cũng cho thấy sự tăng trưởng ổn định với tỷ lệ 44%. Các thương hiệu như Cung Đình, Đệ Nhất và Vifon cũng đang thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Trong khi đó, một số thương hiệu “vang danh một thời” như Modern hay Miliket lại đang phải đối mặt với tình trạng thị phần giảm.
Hành vi mua sắm của người tiêu dùng
Nhìn chung, có gần 60% đáp viên cho biết nhanh chóng và tiện lợi là yếu tố hàng đầu mà họ cân nhắc trước khi mua sản phẩm, 37% quan trọng đối với vấn đề giá cả và 36% với hương vị sản phẩm. Trong khi người tiêu dùng trẻ ưu tiên sự nhanh chóng, tiện lợi và hợp lý trong giá cả thì nhóm tuổi lớn hơn lại chú trọng đến chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, khi được hỏi về thời gian tiêu thụ thực phẩm đóng gói, có hơn 1/2 đáp viên cho biết họ thường sử dụng loại thực phẩm này cho bữa sáng, tăng 5% so với kết quả khảo sát năm 2023. Tuy nhiên, nhóm khách hàng nữ lại cho thấy xu hướng linh hoạt hơn trong việc chọn thời gian tiêu thụ.
Khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các thực phẩm ăn kèm với đồ ăn đóng gói để giúp tăng hương vị, tạo sự cân bằng dinh dưỡng, và mang lại trải nghiệm ẩm thực phong phú hơn. Trong đó, trứng và rau là hai lựa chọn phổ biến nhất, lần lượt chiếm tỷ lệ 69% và 52%. Theo khảo sát, khoảng 3/4 người tiêu dùng dưới 25 tuổi thích ăn thực phẩm đóng gói kèm với trứng, chiếm tỷ lệ cao hơn 10% so với nhóm tuổi khác; trong khi nhóm tuổi lớn hơn (từ 25 đến 55 tuổi) chuộng rau nhiều hơn.
Yếu tố nào ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng?
Theo khảo sát của Cốc Cốc, hương vị, giá cả và thương hiệu là các yếu tố hàng đầu mà người tiêu dùng đắn đo khi chọn mua thực phẩm đóng gói, với tỷ lệ lần lượt là 62%, 46% và 36%. Ngoài ra, 29% đáp viên quan tâm đến yếu tố sức khỏe nhiều hơn, tăng 6% so với số liệu khảo sát năm 2023.
Về giá cả, có tới 50% người tiêu dùng chọn mua sản phẩm giá bình dân trong khoảng từ 5.000 đến 10.000 đồng, tỷ lệ này tăng 15% so với năm 2023. Các sản phẩm ở mức giá từ 10.000 đến 20.000 đồng cũng được ưa chuộng hơn, chiếm tỷ lệ 20%. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng sẵn sàng bỏ thêm chi phí để mua các dòng thực phẩm này nếu giá cả hợp lý và có đồ ăn kèm theo. Ngoài ra, các đánh giá từ người dùng ngày càng có sự ảnh hưởng nhất định tới quyết định mua của khách hàng, tăng 3% so với số liệu năm 2023.
Có khoảng gần 70% đáp viên cho biết tạp hóa là kênh mua sắm phổ biến nhất. Trong khi đó, siêu thị, vốn là kênh mua sắm yêu thích của phần lớn khách hàng, lại có xu hướng giảm, chỉ chiếm 51% theo số liệu năm 2024.
Bên cạnh đó, cũng có hơn 30% người tiêu dùng cho biết các chương trình khuyến mãi giảm giá hấp dẫn sẽ kích thích họ mua hàng nhiều hơn.
Kênh truyền thông nào là điểm chạm gần nhất với người tiêu dùng?
Các phương tiện quảng cáo truyền thống đang dần lấy lại ưu thế, chiếm 50%, tăng 5% so với tỷ lệ năm 2023. Các kênh tiếp cận khác như truyền thông tại điểm bán và quảng cáo trực tuyến vẫn ổn định, chiếm tỷ lệ lần lượt 47% và 43%.
Theo dữ liệu từ khảo sát, các nền tảng mạng xã hội và chia sẻ video trực tuyến vẫn là kênh truyền thông hiệu quả nhất với độ phủ rộng rãi. Tiếp đó là quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm như Google và Cốc Cốc, chiếm tỷ lệ 27%. Nội dung, thông điệp quảng cáo hấp dẫn và tần suất hiển thị thường xuyên là hai yếu tố chính giúp quảng cáo tiếp cận khách hàng hiệu quả nhất. Ngoài ra, có 28% người tiêu dùng cho biết tính phù hợp về mặt văn hóa và xu hướng cũng đóng vai trò quan trọng.
Xu hướng tiêu thụ thực phẩm đóng gói của người tiêu dùng trong kỳ nghỉ Tết
Có tới 20% đáp viên trả lời rằng họ tiêu thụ nhiều thực phẩm đóng gói hơn trong kỷ nghỉ Tết Nguyên Đán. Một điều ngạc nhiên là nhóm người tiêu dùng trẻ, vốn được cho là yêu chuộng sự tiện lợi và nhanh chóng từ thực phẩm đóng gói, lại cho thấy xu hướng tiêu thụ ít hơn trong dịp Tết.
Trái lại, nhóm người lớn tuổi lại có xu hướng tăng lượng tiêu thụ các dòng thực phẩm đóng gói. Trong đó, mì và phở ăn liền vẫn là những lựa chọn phổ biến nhất trong dịp lễ, lần lượt chiếm 58% và 29%. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để các doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh chiến dịch tiếp thị và phân phối các dòng sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong dịp lễ truyền thống này.
Khi khảo sát những chương trình ưu đãi thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, kết quả cho thấy “Mua 1 tặng 1” và giảm giá trực tiếp là hấp dẫn nhất. Xu hướng tiêu dùng cũng có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm tuổi và giới tính.
Người tiêu dùng trẻ đặc biệt bị thu hút bởi các ưu đãi hời như “Mua 1 tặng 1” trong khi khách hàng lớn tuổi lại ưa chuộng các giảm giá trực tiếp hơn. Ngoài ra, có khoảng gần 30% nữ giới chọn mua hàng với các ưu đãi này; ngược lại nam giới lại bị cuốn hút bởi các chương trình bốc thăm trúng thưởng hay quay xổ số. Dựa trên xu hướng đó, các doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến lược tiếp thị hiệu quả trong mùa Tết và phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Từ những kết quả thu thập được qua khảo sát, có thể thấy rõ rằng thị trường thực phẩm đóng gói tại Việt Nam đang có những thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng. Người tiêu dùng hiện đại không chỉ quan tâm đến sự tiện lợi, mà còn đặt nặng yếu tố chất lượng, an toàn và dinh dưỡng khi lựa chọn sản phẩm. Đây là thách thức đồng thời cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong ngành, khi họ cần nhanh chóng thích nghi và đáp ứng những nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.