dentsu: 10 xu hướng truyền thông chủ chốt năm 2025
Trong năm qua, bối cảnh truyền thông đã thay đổi đáng kể nhờ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Những xu hướng mới trong cách người tiêu dùng tương tác và những thay đổi dưới ảnh hưởng của thuật toán được dự đoán sẽ định hình ngành truyền thông vào năm 2025.
Thực tế, nghiên cứu mới từ Carat, dentsu X và iProspect với tựa đề “2025 Media Trends: The Year of Impact” đã tiết lộ rằng ngành truyền thông năm 2025 sẽ phát triển thành một hệ thống có khả năng cho phép định vị đối tượng (addressable), cung cấp khả năng mua sắm (shoppable) và đo lường hiệu quả minh bạch (accountable). Đây là bước chuyển sang một giai đoạn mới mà dentsu gọi là “Kỷ nguyên Thuật toán của Truyền thông” (Algorithmic era of media).
“Để tìm thấy những không gian phát triển mới, thương hiệu cần xây dựng chiến lược truyền thông tạo ra những trải nghiệm cá nhân hóa và đáng nhớ cho khách hàng, bằng cách tận dụng sức mạnh của nền ‘kinh tế sáng tạo’ và xây dựng hệ sinh thái kết nối”, Prerna Mehrotra, Chief Client Officer and Practice President của dentsu Media APAC, chia sẻ.
“Sự tích hợp nhanh chóng của AI đã thay đổi cách thương hiệu tương tác với người tiêu dùng, đánh dấu khởi đầu của ‘kỷ nguyên thuật toán’ – nơi mà AI không chỉ được thử nghiệm mà còn mang lại giá trị thực tế”, Will Swayne, Global Practice President của dentsu, bổ sung.
Theo nghiên cứu, dưới đây là 10 xu hướng truyền thông cần chú ý vào năm 2025.
1. AI thay đổi cách khán giả tiêu thụ nội dung và tương tác với thương hiệu
Trí tuệ nhân tạo sẽ có tác động đáng kể đến cuộc sống cá nhân của người tiêu dùng trong 12 tháng tới. Đặc biệt là khi AI tạo sinh khiến trải nghiệm số ngày càng dễ tiếp cận với nhiều đối tượng hơn.
Trong một thế giới mà tiêu chuẩn đang ngày càng cao – nơi mà hầu hết hoạt động đều trở nên đơn giản, ngay cả việc tìm kiếm câu trả lời đầy đủ, thì người tiêu dùng sẽ mong đợi thương hiệu không chỉ đáng tin cậy mà còn có khả năng dự đoán nhu cầu của họ.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng việc sử dụng AI ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Do đó, thương hiệu phải nhận thức được điều này để đưa ra cam kết chiến lược giảm phát thải carbon, từ đó thực hiện đúng mục tiêu.
2. AI nâng cao chuỗi giá trị truyền thông
Trong năm tới, nhiều thương hiệu dự kiến không chỉ sử dụng giải pháp nền tảng mà còn khám phá tiềm năng của AI trên toàn bộ chuỗi giá trị truyền thông.
Các cơ hội lớn bao gồm: (1) phát triển kế hoạch linh động để cải thiện ngân sách, (2) khai thác nguồn dữ liệu phong phú để dự đoán phân khúc khán giả tiềm năng, (3) tạo ra các kế hoạch truyền thông chi tiết, tái hiện hành trình của người tiêu dùng, (4) ứng dụng công nghệ tự động hoá và tối ưu theo thời gian thực trên các kênh để tối đa hóa hiệu quả, đồng thời dựa trên các thông tin chi tiết về hiệu suất truyền thông để liên tục cải thiện.
Tuy vậy, ưu tiên hàng đầu vẫn là xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu với ưu tiên cao về tính minh bạch, công bằng, trách nhiệm và trao quyền từ đầu đến cuối.
Với phương pháp tiếp cận này trong năm 2025, marketers có thể khởi động những dự án thí điểm quan trọng, khai thác sức mạnh của AI trong chuỗi giá trị truyền thông trước khi mở rộng quy mô sáng kiến.
3. Tận dụng các khoảnh khắc nhỏ để chiếm được lòng tin người tiêu dùng
81% người tiêu dùng tuyên bố rằng cách tốt nhất để thương hiệu nổi bật và giành được lòng trung thành của họ là làm họ ngạc nhiên và hài lòng qua những trải nghiệm bất ngờ.
Trong đó, sự hiện diện vào đúng thời điểm và hòa nhập đời sống thường ngày của người tiêu dùng có thể góp phần mang lại giá trị, đặc biệt là khi cần khai thác triệt để những khoảnh khắc tương tác nhỏ.
Và để làm được, thương hiệu phải đảm bảo nội dung và thông tin dễ dàng truy cập, tận dụng cá nhân hóa ở mức tối đa và giữ cho thông điệp luôn nhất quán qua thời gian cũng như trên các nền tảng khác nhau.
4. Sức mạnh từ tệp khán giả ngách
Trong kế hoạch truyền thông truyền thống, các nhóm khán giả ngách như cộng đồng người hâm mộ với sở thích đặc thù trên Reddit hay hội fan của những thể loại “độc lạ” trên Netflix, thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, ngày nay, phân khúc này lại chính là cơ hội để các thương hiệu mở rộng khả năng tiếp cận đại chúng.
Hãy tận dụng nguồn dữ liệu có sẵn về khán giả từ các hệ sinh thái, cũng như ứng dụng AI để tối ưu hóa hiện diện trên truyền thông.
5. Nắm bắt cơ hội từ TV kết nối (Connected TV)
Chi tiêu quảng cáo trên kênh truyền hình kết nối dự kiến tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm là 18,3% trong vòng 3 năm cho đến 2026, khi các nền tảng phát trực tuyến ngày càng mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng quảng cáo.
Trong tương lai, thương hiệu cần theo sát và nắm bắt những cơ hội mới trong quảng cáo và tích hợp nội dung, đặc biệt ở các lĩnh vực phát triển nhanh như phát sóng thể thao trực tiếp.
6. Sáng tạo giúp tăng khả năng tiếp cận
Khi thuật toán dần chi phối mọi khía cạnh của quảng cáo trực tuyến, việc sử dụng các nội dung sáng tạo chất lượng sẽ trở thành tiêu chuẩn mới để đạt thành công.
Đến năm 2025, thương hiệu nên tập trung đầu tư vào những ý tưởng sáng tạo có khả năng tạo sức ảnh hưởng mạnh và được tối ưu hóa để khai thác tối đa hiệu quả từ các khoản đầu tư truyền thông. Đồng thời, việc áp dụng quy trình phân phối tự động có thể giúp thương hiệu nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
7. Thương mại bán lẻ tái định hình thị trường truyền thông
Theo báo cáo, các nhà bán lẻ có thể sớm chi phối truyền thông khi dữ liệu bên thứ nhất về người mua chính là “vũ khí” để các nền tảng bán lẻ và thanh toán có thể thống lĩnh.
Bởi trong tương lai, thị trường truyền thông sẽ vận hành hoàn toàn nhờ vào thuật toán và mang các đặc điểm như: cho phép định vị đối tượng (addressable), cung cấp khả năng mua sắm (shoppable) và đo lường hiệu quả minh bạch (accountable).
Dù có chạy quảng cáo để bán trực tiếp qua nền tảng hay không, thương hiệu vẫn nên cân nhắc tận dụng các tài sản thương hiệu để duy trì vị thế dẫn đầu trước đối thủ.
8. Đồng hành là chìa khoá tăng trưởng
Trong kỷ nguyên số, khán giả có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các nền tảng chỉ trong nháy mắt. Trải nghiệm người dùng theo đó trở thành yếu tố quyết định hàng đầu để các thương hiệu, ấn phẩm và nền tảng công nghệ có thể giữ chân khách hàng.
Năm 2025, để tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp cần tìm kiếm những đối tác sáng tạo để cùng nhau khai thác dữ liệu, nội dung và kênh phân phối, từ đó tạo ra những trải nghiệm độc đáo và giá trị cho người dùng.
9. Đầu tư vào quy trình phân phối quảng cáo số chất lượng
Trong bối cảnh khán giả ngày càng có nhiều quan điểm phân cực và tăng cường “giám sát”, thương hiệu cần chủ động bảo vệ chiến dịch truyền thông của mình khỏi những yếu tố gian lận, môi trường không an toàn hoặc không phù hợp, nhằm giữ vững cả danh tiếng và hiệu quả đầu tư.
Để tối ưu hóa lợi ích từ các khoản đầu tư truyền thông, thương hiệu không chỉ cần bảo vệ uy tín mà còn phải góp phần xây dựng một hệ sinh thái quảng cáo bền vững và đa dạng trong dài hạn.
Ngoài ra, việc đánh giá lại chuỗi cung ứng truyền thông cũng là điều cần thiết để xác định các lĩnh vực cần cải thiện, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả tổng thể cho các khoản đầu tư.
10. AI mở rộng khoảng cách công nghệ
Theo báo cáo, các tính năng AI mới nhất đang tạo ra những thay đổi lớn, vì chúng có sức mạnh tính toán cao mà chỉ các vi mạch của thiết bị cao cấp mới có thể đáp ứng. Không chỉ vậy, các tiến bộ công nghệ khác cũng có nguy cơ làm gia tăng khoảng cách kỹ thuật số giữa những người có điều kiện tài chính và những người không có. Nhiều nội dung miễn phí trước đây giờ đang bị giới hạn sau các bức tường thanh toán, khi các nhà xuất bản tìm cách kiếm tiền từ khán giả của họ.
Vì thế, truyền thông trong tương lai có thể sẽ trở nên phân mảnh hơn trên toàn cầu, khi công nghệ ngày càng trở thành vấn đề mang tính chính trị.
Trong bối cảnh khoảng cách kỹ thuật số này ngày càng gia tăng, các nhà quảng cáo có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong việc giúp mọi người có quyền tiếp cận tin tức, đặc biệt là những người không đủ khả năng chi trả.
Theo Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Marketing-Interactive