VML: 7 xu hướng chính sẽ định hình người mua sắm hiện đại tại khu vực APAC
Theo báo cáo “The Future Shopper 2024” của VML, mạng xã hội đã trở thành thị trường mới đầy tiềm năng. Báo cáo này khảo sát 31.500 người tiêu dùng đã mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong vòng một tháng trước khi cuộc khảo sát diễn ra tại 20 quốc gia.
Có thể nói, những tiến bộ về mặt công nghệ thật sự làm thay đổi ngành bán lẻ toàn cầu, người tiêu dùng ở khu vực APAC đã nhanh chóng thích nghi với điều này và dần trở thành những người mua sắm hiện đại.
Báo cáo cũng cho thấy sự chi phối của các sàn thương mại điện tử trong hành trình khách hàng cũng như cách mà AI và các công nghệ mới đang định hình lại cách các thương hiệu bán hàng. Những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến sản phẩm thương hiệu cung cấp, mà còn thay đổi phương thức bán hàng và đối tượng khách hàng mà thương hiệu nhắm đến.
“Trong khi phương Tây đang chứng kiến sự phục hồi của bán lẻ truyền thống, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) nhắc nhở chúng ta rằng tương lai vẫn được dẫn dắt bởi công nghệ số” – ông Aadit Bimbhet, Giám đốc Thương mại khu vực APAC tại VML, chia sẻ.
Ông Bimbhet nói thêm: “Doanh nghiệp trên toàn cầu có thể học hỏi từ tư duy ưu tiên tối ưu hóa trải nghiệm trên thiết bị di động, sự đón nhận thương mại xã hội và sự cởi mở với mua sắm được hỗ trợ bởi AI. Nếu muốn chiến thắng tại APAC nói riêng và trên toàn cầu nói chung, các thương hiệu phải ưu tiên trải nghiệm kỹ thuật số liền mạch, tương tác cá nhân hóa sâu sắc và tốc độ giao hàng nhanh chóng”.
Dưới đây là những xu hướng được nêu ra trong báo cáo:
1. Người tiêu dùng APAC vẫn ưu tiên mua sắm trực tuyến
Trên toàn cầu, chi tiêu trực tuyến đã giảm 5% từ mức 58% vào năm 2023. Điều này cho thấy sự thay đổi trong hoạt động mua sắm, hướng tới sự cân bằng hơn giữa môi trường trực tuyến và trực tiếp cùng với nhu cầu ngày càng tăng về trải nghiệm thực tế của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tại khu vực APAC, mua sắm trực tuyến chỉ giảm 1% so với năm 2023. Trong đó, các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc dẫn đầu xu hướng ưu tiên mua sắm trực tuyến khi có hơn hai phần ba chi tiêu diễn ra qua mạng.
2. Sự chậm trễ trong việc triển khai công nghệ của thương hiệu dẫn đến trải nghiệm không tốt cho người dùng
62% người tiêu dùng tại APAC cho biết thiết bị di động là lựa chọn ưu tiên để mua sắm trực tuyến. Mặc dù người tiêu dùng thích sử dụng thiết bị di động, theo báo cáo, gần một nửa số người tiêu dùng APAC cho rằng mua sắm trên điện thoại di động gặp khó khăn.
Ngoài ra, người tiêu dùng trong khu vực này đang ngày càng có nhiều yêu cầu mới, với 70% tin rằng các thương hiệu và nhà bán lẻ cần nỗ lực hơn để cải thiện trải nghiệm mua sắm trên thiết bị di động.
3. Người tiêu dùng đang khám phá các kênh mua sắm thay thế
Các sàn thương mại như Amazon, Shopee, Tmall và Lazada vẫn là điểm đến hàng đầu để khám phá sản phẩm, chiếm 32% trong việc tạo ra động lực mua sắm của người tiêu dùng trong khu vực. Nói cách khác, những sàn này đóng vai trò cung cấp thông tin và ảnh hưởng đáng kể đến quyết định mua sắm của một tỷ lệ lớn người tiêu dùng.
Mặc dù là điểm đến hàng đầu cho việc khám phá sản phẩm, nhưng tỷ lệ chi tiêu của người tiêu dùng trên các sàn này đang giảm từ 37% vào năm 2023 xuống còn 28% vào năm 2024.
Theo báo cáo, người tiêu dùng ngày càng sẵn sàng khám phá các kênh mua sắm thay thế. Điều này đặc biệt đúng khi nhiều thương hiệu đang tận dụng nhiều hơn những ứng dụng siêu đa năng như WeChat và Line để tiếp cận trực tiếp với khách hàng.
Bên cạnh đó, các sàn thương mại cũng đang thể hiện khả năng đổi mới và phát triển, với hơn một nửa người tiêu dùng APAC cho biết họ sẵn sàng sử dụng ứng dụng hẹn hò do Amazon, Tmall hoặc Lazada cung cấp.
4. Người tiêu dùng mong muốn nhận được sản phẩm gần như ngay lập tức
Kỳ vọng của khách hàng rất cao, với 29% người tiêu dùng APAC mong đợi nhận hàng trong vòng hai giờ sau khi đặt mua trực tuyến. Nghiên cứu tại khu vực này cho thấy dược phẩm và thực phẩm là hai lĩnh vực ưu tiên về tốc độ, với gần một nửa số người tiêu dùng mong đợi giao hàng trong chưa đến hai giờ.
Bên cạnh đó, 70% người tiêu dùng APAC cho biết họ muốn quy trình từ tìm kiếm đến mua hàng diễn ra nhanh chóng nhất có thể. Indonesia dẫn đầu về yêu cầu này với tỷ lệ lên đến 80%.
5. AI có tiềm năng cải thiện hiệu suất
Châu Á tỏ ra lạc quan về tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI) khi có tới 68% cho rằng lợi ích của AI đang vượt trội hơn so với những mặt tiêu cực. Trong khi đó, khu vực Úc và New Zealand vẫn thận trọng hơn so với các nước Châu Á khác.
Sự lạc quan về tiềm năng của AI tập trung vào việc nâng cao hiệu quả và tiết kiệm thời gian. Điều này đặc biệt quan trọng khi gần một nửa số người tiêu dùng sẵn sàng ứng dụng AI trong việc mua sắm và sắp xếp cuộc sống cho họ, theo báo cáo.
Thực tế, người tiêu dùng có xu hướng chấp nhận AI nhiều hơn khi họ hiểu rõ lợi ích của nó và có quyền kiểm soát được cách mà họ sử dụng. Trong tương lai, các thương hiệu cần ưu tiên sự minh bạch, giải thích rõ vai trò của AI và cung cấp cho người tiêu dùng các lựa chọn trong cách tương tác với hệ thống được hỗ trợ bởi AI.
6. Châu Á thống trị thương mại trên mạng xã hội
Theo báo cáo, 81% người tiêu dùng trong khu vực đã từng mua hàng qua mạng xã hội. TikTok Shops (hay Douyin tại Trung Quốc) chiếm lĩnh thị trường thương mại xã hội (social commerce) tại Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia, với một nửa số người tiêu dùng cho biết họ có xu hướng mua hàng từ nền tảng này.
Tại Ấn Độ, nơi TikTok bị cấm, Instagram đã trở thành nền tảng phổ biến với hơn một phần ba người tiêu dùng có khả năng giao dịch tại đây. Khi nói đến mua sắm qua livestream, người tiêu dùng Châu Á nhanh chóng đón nhận trải nghiệm mới này, với 82% người mua sắm cho biết họ đã thực hiện giao dịch qua livestream.
Trong khi đó, con số này tại Australia và New Zealand đang thấp hơn so với các nước Châu Á khác, khi chỉ dưới một phần ba người tiêu dùng tại đây đã tham gia mua sắm qua các sự kiện livestream.
“Phương Đông đã bỏ qua máy tính để bàn, chuyển thẳng sang thương mại ưu tiên di động và các doanh nghiệp phương Tây cần phải bắt kịp điều này” – Nick Pan, Giám đốc Thương mại tại VML APAC, đưa ra nhận định.
Ông Pan bổ sung: “Đối với người tiêu dùng ở phương Đông, các nền tảng mạng xã hội đã trở thành phần cốt lõi và quan trọng nhất của Internet, khiến thương mại xã hội trở nên liền mạch và thuận tiện. Sự tiếp cận rộng rãi của thương mại xã hội cùng với khả năng mua hàng ngay lập tức là hai trong số những lý do tại sao nó nên được đặt lên hàng đầu trong chiến lược của các thương hiệu tiêu dùng – đặc biệt là các thương hiệu toàn cầu muốn mở rộng sang Châu Á”.
7. Người tiêu dùng đang thay đổi vượt xa các trải nghiệm mua sắm và tiêu dùng trong thế giới thực
Định nghĩa về “người tiêu dùng” đang thay đổi khi các nhân vật số (digital avatars) ngày càng quan trọng, các công nghệ kỹ thuật số và các kênh mới mở ra những tương tác vượt ra ngoài thế giới thực.
Sự mờ đi của ranh giới giữa người tiêu dùng trong thế giới thực và kỹ thuật số được chứng minh qua sự phát triển của thương mại trong trò chơi (gaming commerce), với con số đáng kinh ngạc 91% người tiêu dùng APAC nhận mình là “game thủ” và 70% trong số đó đã chi tiền cho các giao dịch trong game. Đồng thời, hơn một nửa số game thủ APAC cho rằng việc trông đẹp trong game cũng quan trọng như vẻ ngoài ngoài đời thực.
Một xu hướng tiêu dùng mới cũng khá thú vị đó là hơn một nửa người tiêu dùng APAC bày tỏ sự quan tâm đến “tiêu dùng sau khi chết”. Người tiêu dùng không chỉ sử dụng công nghệ để tương tác trong cuộc sống hằng ngày, mà còn suy nghĩ về việc sử dụng công nghệ, chẳng hạn như AI trong những trải nghiệm liên quan đến cái chết và thế giới sau khi chết. Thái Lan dẫn đầu xu hướng này với ba phần tư người tiêu dùng Thái muốn tham gia.
Ngoài ra, kết quả của một nghiên cứu gần đây của Twilio cũng cho thấy, 54% người tiêu dùng trong khu vực quan tâm đến việc sử dụng AI để mang người thân đã khuất trở lại cuộc sống qua các cuộc hội thoại ảo.
Các nhà bán lẻ tại Singapore đang dự đoán về việc AI sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tương tác với khách hàng trong tương lai. Thực tế, 93% các nhà bán lẻ Singapore tin rằng AI sẽ trở thành trụ cột quan trọng trong ngành bán lẻ trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, 71% nhà bán lẻ Singapore lo ngại rằng chatbot AI sẽ làm cho trải nghiệm mua sắm trở nên thiếu tính cá nhân hơn.
Trong vòng 5 năm tới, 70% các nhà bán lẻ Singapore kỳ vọng rằng AI sẽ có nhiều ứng dụng hơn trong ngành bán lẻ. Các ứng dụng này bao gồm cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, quản lý hàng tồn kho và thậm chí là tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Marketing-Interactive