Cốc Cốc: Khám phá xu hướng tiêu dùng trong thị trường chăm sóc sắc đẹp và cá nhân
Thị trường chăm sóc cá nhân đang trở thành một trong những lĩnh vực phát triển nhanh chóng, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trên toàn cầu. Sự gia tăng về nhu cầu làm đẹp, chăm sóc sức khỏe cá nhân và nhận thức về lối sống lành mạnh đã thúc đẩy thị trường này không ngừng mở rộng.
Để thấu hiểu hơn về insight khách hàng trong thị trường chăm sóc sắc đẹp và cá nhân, Cốc Cốc đã thực hiện nghiên cứu dữ liệu khảo sát trực tuyến với 987 đáp viên trên nền tảng. Báo cáo này sẽ giúp người đọc có cái nhìn tổng quan hơn về ngành hàng chăm sóc sắc đẹp và khám phá hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Thói quen và xu hướng mua sắm các sản phẩm chăm sóc vệ sinh cá nhân
Gần 70% đáp viên cho biết họ mua ít nhất một sản phẩm chăm sóc sắc đẹp trong 3 tháng vừa qua. Trong đó, có đến 78% khách hàng nữ và nam giới chỉ chiếm 58%. Người tiêu dùng ở các khu đô thị cũng có xu hướng sử dụng dòng sản phẩm này nhiều hơn, với tỷ lệ 75%, trong khi đó, khu vực nông thôn chỉ chiếm 59%.
Khảo sát cho thấy sự chênh lệch đáng kể trong tỷ lệ sử dụng các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp so với số liệu năm 2023. Cụ thể, các sản phẩm chăm sóc tóc và vệ sinh răng miệng tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng, chiếm lần lượt 57% và 62%. Ngược lại, nhóm sản phẩm trang điểm lại ghi nhận mức giảm đáng kể, chỉ còn 26%, cho thấy sự thay đổi trong thói quen làm đẹp của người tiêu dùng.
- Về giới tính: Nhìn chung, nữ giới chuộng các dòng sản phẩm chăm sóc cá nhân nhiều hơn nam giới, trong đó, sự chênh lệch lớn nhất ở nhóm trang điểm và chăm sóc da. Danh mục chăm sóc răng miệng là nhóm có sự khác biệt giới tính nhỏ nhất, với 65% nam giới và 58% nữ giới.
- Về khu vực: Người tiêu dùng ở khu vực thành thị ưu tiên các sản phẩm trang điểm, trong khi đó, sản phẩm chăm sóc răng miệng và dưỡng tóc lại được ưa chuộng hơn ở khu vực nông thôn.
- Về nhóm tuổi: Các sản phẩm vệ sinh răng miệng phổ biến ở mọi nhóm tuổi, tuy nhiên tỷ lệ mua giảm xuống còn 52% ở nhóm từ 45 tuổi trở lên. Nhóm người tiêu dùng trẻ (dưới 34 tuổi) có xu hướng sử dụng nhiều sản phẩm chăm sóc da hơn, đặc biệt là nhóm tuổi 18-24 với tỷ lệ 55%.
Những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng
Chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố được ưu tiên hàng đầu khi người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm sắc đẹp, chiếm tỷ lệ 26%, theo sau đó là các yếu tố khác như độ phù hợp với da và giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, những đánh giá tích cực từ người khác cũng ảnh hưởng lớn đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng, với tỷ lệ 16% cho nữ giới và 7% cho nhóm người tiêu dùng nam.
Ngoài các yếu tố về sản phẩm, các đáp viên cũng tham khảo ý kiến từ nhiều nguồn khác trước khi mua. Trong đó, hơn 30% cho biết đánh giá online là nguồn tin đáng tin cậy nhất, tiếp theo đó là các bài viết blog và nội dung trên mạng xã hội. Những gợi ý từ các influencers cũng có ảnh hưởng lớn đáng kể đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng.
Khảo sát cũng cho thấy 80% người tiêu dùng ưu tiên mua các sản phẩm hữu cơ và không gây hại cho môi trường. Tỷ lệ này vẫn giữ nguyên so với năm 2023. Điều này phản ánh xu hướng tiêu dùng bền vững đã trở thành một giá trị cốt lõi và ổn định trong nhận thức của người tiêu dùng.
Hành vi mua sắm của người tiêu dùng
Về chi phí dành cho các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, phần lớn đáp viên cho biết họ hài lòng với mức giá từ 200.000 đến 500.000 VNĐ. Trong đó, người tiêu dùng ở khu vực nông thôn thường có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn, với 44% cho biết họ sẽ chi dưới 200.000 VNĐ. Ngược lại, người tiêu dùng thành thị lại “mạnh tay” hơn, khi 9% trong số họ sẵn sàng chi từ 2.000.000 VNĐ trở lên.
Có 31% người tiêu dùng lựa chọn nền tảng online là kênh mua sắm phổ biến nhất, tiếp đó là cửa hàng mỹ phẩm chiếm 25% và siêu thị với 24% lựa chọn.
- Tuy nhiên, nam giới và nữ giới có những cách thức mua hàng khác nhau. Phụ nữ thường mua sắm online nhiều hơn so với nam giới, với tỷ lệ 42% so với 19%. Ngoài ra, họ cũng ưa chuộng các cửa hàng mỹ phẩm hơn, với tỷ lệ lần lượt là 32% so với 18% của nam giới.
- Với các nhóm tuổi khác nhau, hành vi tiêu dùng cũng có sự biến đổi nhất định. Nhóm người tiêu dùng trẻ (dưới 18 và 18-24 tuổi) có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều hơn với tỷ lệ lần lượt là 34% và 36%, trong khi chỉ có 20% trong nhóm từ 25 tuổi trở lên ưa chuộng hình thức mua sắm này. Bên cạnh đó, các cửa hàng mỹ phẩm cũng thu hút nhiều khách hàng trẻ, với 31% người tiêu dùng trong độ tuổi 18-24, so với chỉ 20% ở nhóm 25 tuổi trở lên.
Điểm chạm truyền thông
Quảng cáo trực tuyến giành vị trí “ngôi vương” với tỷ lệ 38%, trở thành kênh truyền thông phổ biến nhất truyền đạt thông tin đến người tiêu dùng. Tiếp đó, các phương tiện quảng cáo truyền thống và thương hiệu cũng là điểm chạm tiềm năng với khách hàng, chiếm 25%.
Trong số các kênh truyền thông trực tuyến, 37% lựa chọn mạng xã hội là nền tảng có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng, theo sau đó là các công cụ tìm kiếm như Google, Cốc Cốc chiếm 28%. Ngoài ra, các yếu tố như đánh giá từ người tiêu dùng khác hay có sự xuất hiện của KOLs trong các quảng cáo cũng là một điểm cộng thu hút sự chú ý của khách hàng.
Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng trong dịp Tết
Xu hướng làm đẹp ngày càng tăng mạnh trong dịp Tết bởi đây là thời điểm người tiêu dùng chú trọng hơn đến việc chăm sóc ngoại hình và mong muốn thay đổi bản thân. Cụ thể, tỷ lệ mua các sản phẩm chăm sóc da tăng từ 41% lên 46% và các sản phẩm trang điểm tăng thêm 11% so với ngày thường. Xu hướng này cũng có sự khác biệt nhiều về giới tính. Cụ thể, nữ giới thiên về các sản phẩm làm đẹp như chăm sóc da và trang điểm, trong khi đó, nam giới lại quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm chăm sóc răng miệng.
Hơn 60% người tiêu dùng cho biết động lực lớn nhất kích thích họ mua các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp là để chuẩn bị cho bản thân trước thềm năm mới. Trong đó có tới 7/10 khách hàng nữ đồng ý với quan điểm này, cao hơn 20% so với nam giới. Tuy nhiên, động lực mua sắm này cũng khác biệt theo nhóm tuổi. Trái ngược với nhu cầu làm mới bản thân của giới trẻ, nhóm người tiêu dùng trên 25 tuổi lại sử dụng các dòng sản phẩm này với nhiều mục đích khác nhau như gia đình, tận dụng giảm giá lớn dịp Tết hay mua làm quà tặng cho người thân.
Với nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết cổ truyền, gần 1/2 đáp viên sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp trong những ngày này. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn 7% so với số liệu ghi nhận vào năm 2023.
Khảo sát cũng cho thấy, 1 hoặc 2 tháng trước Tết là thời gian mà người tiêu dùng đổ xô đi mua sắm những sản phẩm này để chuẩn bị cho kì nghỉ lễ. Đây chính là thời điểm vàng để các thương hiệu triển khai các chương trình hay sản phẩm thúc đẩy doanh thu mùa cuối năm. Ngoài ra, khách hàng cũng rất hứng thú với khuyến mãi “Mua 1 tặng 1” hoặc “Tăng số lượng sản phẩm mà không đổi giá”. Trái lại, các ưu đãi truyền thống như tích điểm hay bốc thăm trúng thưởng lại không được ưa chuộng nữa.
Báo cáo này đã vẽ ra một bức tranh toàn diện về ngành hàng chăm sóc sắc đẹp và cá nhân, đồng thời chỉ ra những điểm mới trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Với sự phát triển không ngừng của thị trường và thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm mà còn chú trọng xây dựng những điểm chạm tiềm năng với khách hàng, từ đó thúc đẩy doanh thu và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.