Cốc Cốc: Mở khóa tiềm năng thị trường smartphone trong kỷ nguyên số hóa

Ngày nay, smartphone đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, không chỉ phục vụ nhu cầu liên lạc mà còn đáp ứng các nhu cầu giải trí, làm việc và kết nối xã hội. Điều này cũng dẫn tới sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các thương hiệu, thúc đẩy sự đổi mới và đòi hỏi các chiến lược linh hoạt nhằm giữ vững vị thế trên thị trường.

Với mục tiêu cung cấp những insight mới nhất về ngành smartphone, Cốc Cốc đã thực hiện nghiên cứu dữ liệu tìm kiếm kết hợp cùng khảo sát trực tuyến với 1068 đáp viên trên nền tảng. Báo cáo này sẽ đưa ra cái nhìn tổng quan về thị trường điện thoại và đi sâu vào phân tích hành vi mua sắm smartphone hiện nay.

Cốc Cốc: Mở khóa tiềm năng thị trường smartphone trong kỷ nguyên số hóa

Tổng quan thị trường smartphone

Theo dữ liệu mới nhất từ Canalys, thị trường smartphone Đông Nam Á chứng kiến mức tăng trưởng 14% trong quý 2 năm 2024, đạt gần 24 triệu đơn vị. Con số này đánh dấu sự hồi phục tích cực sau giai đoạn khó khăn của thị trường. Trong đó, Samsung dẫn đầu ngành với 18% thị phần, tiếp theo là OPPO và Xiaomi cùng chiếm 17%. Vivo xếp thứ tư với 14%, trong khi TRANSSION tụt xuống vị trí thứ năm, cũng với 14% thị phần.

Còn ở Việt Nam, thị trường smartphone được định giá 5,6 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 9,4% vào năm 2029, theo báo cáo của Techsci Research. Ngành công nghiệp này đã có những bước tiến vượt bậc trong suốt một thập kỷ vừa qua, trở thành một trong những thị trường sôi động và cạnh tranh hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Cùng với sự phát triển đó, thị phần các thương hiệu smartphone cũng biến đổi mạnh mẽ trong năm vừa qua. Tính đến Q2 2024, OPPO lần đầu tiên vượt qua Samsung, trở thành thương hiệu dẫn đầu về số lượng smartphone phân phối tại Việt Nam. Đồng thời, Vivo đã vượt mặt Realme, lọt vào top 5 thương hiệu hàng đầu tại thị trường này.

Cốc Cốc: Mở khóa tiềm năng thị trường smartphone trong kỷ nguyên số hóa

Thói quen tìm kiếm của người tiêu dùng liên quan đến smartphone

Lượng tìm kiếm của các từ khóa liên quan đến “smartphone” trên nền tảng Cốc Cốc tăng khoảng hơn 27% trong suốt ba quý đầu của năm 2024 so với cùng kì của năm 2023. Trong đó, từ khóa về tên thương hiệu chiếm 47% tổng lượng tìm kiếm với top 4 thương hiệu được quan tâm nhiều nhất là iPhone, Samsung, Oppo, Xiaomi.

Cốc Cốc: Mở khóa tiềm năng thị trường smartphone trong kỷ nguyên số hóa

Nhu cầu sử dụng và mua sắm của người tiêu dùng

Kết quả khảo sát cho thấy hơn 50% người dùng đã sử dụng điện thoại hiện tại của mình được trên 2 năm, đặc biệt phổ biến ở nhóm khách hàng nam, trên 35 tuổi hoặc sống tại khu vực nông thôn. Ngoài ra, Apple (iPhone) và Samsung là 2 hãng điện thoại có lượng người dùng thường xuyên cao nhất tại Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ người dùng iPhone “nhỉnh hơn” Samsung 7%. Ngoài ra, người Việt cũng ưa chuộng sử dụng các hãng điện thoại đến từ Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Realme.

Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy 48% đáp viên có ý định mua một smartphone mới trong 6 tháng tới. Nhu cầu mua điện thoại mới vẫn cao với nhóm người tiêu dùng có thu nhập ổn định và trong nhóm tuổi từ 25 đến 54.

Cốc Cốc: Mở khóa tiềm năng thị trường smartphone trong kỷ nguyên số hóa

Khi được hỏi về yếu tố nào ảnh hưởng đến quyết định mua smartphone của họ, hơn 60% người dùng cho biết họ sẵn sàng mua điện thoại mới nếu cái cũ bị hỏng. Ngoài ra, nhu cầu học tập và làm việc cũng ảnh hưởng đáng kể đến quyết định mua sắm của khách hàng, chiếm 33%.

  • Với người dùng dưới 35 tuổi, động lực lớn nhất thúc đẩy họ mua điện thoại mới là khi hãng ra mắt sản phẩm mới. Tuy nhiên, khách hàng ở nhóm tuổi lớn hơn, đặc biệt là trên 55 tuổi, lại ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố này.
  • Tỷ lệ người dùng ở khu vực thành thị mua smartphone trong các đợt khuyến mãi hoặc theo hình thức trả góp cao gần gấp đôi so với người dùng ở nông thôn. Trái lại, yếu tố tài chính lại ảnh hưởng nhiều hơn đến quyết định mua hàng ở khu vực nông thôn.

Cốc Cốc: Mở khóa tiềm năng thị trường smartphone trong kỷ nguyên số hóa

Có đến 76% người dùng mua điện thoại mới chủ yếu để thay thế thiết bị hiện tại của họ. Nhu cầu mua lần đầu phổ biến nhất ở nhóm dưới 18 tuổi, trong khi nhu cầu mua thêm điện thoại chủ yếu ở những người có thu nhập cao và sống ở khu vực thành thị.

Hành vi mua sắm của người dùng

Về thương hiệu, 65% đáp viên cho biết họ dự định tiếp tục mua điện thoại từ thương hiệu đang sử dụng, con số này cao gần gấp đôi so với tỷ lệ người dùng có ý định chuyển sang thương hiệu khác. Trong đó, hơn 70% người dùng ở nhóm trên 45 tuổi trung thành với thương hiệu họ đang sử dụng, trái lại, tỷ lệ này ở nhóm dưới 45 tuổi dao động từ 58% đến 65%. Điều này cho thấy nhóm người tiêu dùng trẻ thường cởi mở hơn trong việc khám phá các thương hiệu smartphone khác trên thị trường.

Cốc Cốc: Mở khóa tiềm năng thị trường smartphone trong kỷ nguyên số hóa

Khảo sát cũng cho thấy iPhone và Samsung là hai thương hiệu dẫn đầu về số lượng người dùng, và đa số đều khẳng định sẽ tiếp tục chọn mua sản phẩm từ những thương hiệu này. Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng của người dùng các thương hiệu khác lại có sự thay đổi, với 81% cho biết họ sẽ chọn mua điện thoại từ thương hiệu mới.

Về chi phí ngân sách, hơn ½ người dùng hài lòng với mức giá hơn 10 triệu VNĐ cho một chiếc điện thoại thông minh mới. Theo đó, 15% có ý định mua điện thoại trong mức giá khoảng từ 30 triệu VNĐ trở lên.

Cốc Cốc: Mở khóa tiềm năng thị trường smartphone trong kỷ nguyên số hóa

Cũng có rất nhiều phương thức thanh toán khác nhau, nhưng gần 60% người dùng đều có xu hướng trả hết trong một lần. Bên cạnh đó, hình thức trả góp cũng khá phổ biến với 1/5 đáp viên lựa chọn.

Khi khảo sát về yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng, cấu hình sản phẩm là tiêu chí được quan tâm nhiều nhất. Thêm vào đó, người tiêu dùng cũng đặc biệt quan tâm đến tính tiện lợi, cũng như giá cả sản phẩm.

Cốc Cốc: Mở khóa tiềm năng thị trường smartphone trong kỷ nguyên số hóa

Về kênh mua sắm, gần 80% người dùng đều thích mua sắm trực tiếp tại cửa hàng hơn là mua sắm online bởi khi mua tại cửa hàng, họ có thể trực tiếp kiểm tra chất lượng sản phẩm và đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, Thế giới di động là điểm bán uy tín được nhiều khách hàng tin tưởng, chiếm 62%, theo sau đó là các nhà bán lẻ khác như FPT Shop, CellphoneS và Hoàng Hà mobile. Ngoài ra, mua sắm online vẫn có sức hút bởi các chương trình giảm giá hấp dẫn hay tiết kiệm thời gian mua sắm.

Điểm chạm truyền thông

Quảng cáo trực tuyến là kênh thông tin về smartphone được đông đảo người dùng tin tưởng, chiếm đến 65%. Sức hấp dẫn của kênh truyền thông này vượt qua các điểm chạm khác nhờ khả năng tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng và đa dạng nội dung. Thông qua các nền tảng như mạng xã hội, trang web và công cụ tìm kiếm, người dùng có thể nhanh chóng nắm bắt được các thông tin về sản phẩm mới, chương trình khuyến mãi và các đánh giá từ khách hàng. Bên cạnh đó, các hình thức quảng cáo truyền thống trên TV, báo, đài, rạp chiếu phim cũng ảnh hưởng nhất định đến quyết định mua sắm của người dùng với tỷ lệ 45%.

Cốc Cốc: Mở khóa tiềm năng thị trường smartphone trong kỷ nguyên số hóa

Trong số các kênh truyền thông trực tuyến, công cụ tìm kiếm và mạng xã hội là hai nguồn thông tin quan trọng khi người dùng tìm hiểu và chọn mua điện thoại di động, cùng chiếm 47%. Thông qua hai kênh này, khách hàng có thể dễ dàng truy cập vào hàng loạt thông tin về các dòng điện thoại mới nhất, so sánh giá cả hay đọc các đánh giá từ cộng đồng, trang công nghệ uy tín.

Trong bối cảnh smartphone ngày càng gắn bó trong đời sống hàng ngày, việc hiểu rõ các xu hướng và hành vi tiêu dùng là vô cùng quan trọng. Báo cáo này sẽ giúp các thương hiệu có cái nhìn sâu sắc để điều chỉnh chiến lược cạnh tranh và đổi mới sản phẩm, đồng thời hỗ trợ người dùng đưa ra những lựa chọn mua sắm thông minh, phù hợp với nhu cầu cá nhân.

  • Xem và tải báo cáo đầy đủ tại đây
  • Báo cáo được thực hiện dựa trên dữ liệu thu thập từ khảo sát trực tuyến trên nền tảng Cốc Cốc với hơn 30 triệu người dùng. Tìm hiểu thêm về dịch vụ khảo sát trực tuyến tại đây.